Hình thái lây nhiễm HIV ở Việt Nam thay đổi

Dịch HIV/AIDS đang diễn biến phức tạp, hình thái lây nhiễm thay đổi từ đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục.

Thông tin được bà Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết tại buổi họp báo nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS, chiều 18/11. Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TP HCM, ước tính hiện nay có khoảng 267.000 người đang sống chung với HIV. Đến nay, 100% số tỉnh, thành phố có người nhiễm.

9 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV, 83% là nam giới, độ tuổi chủ yếu từ 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27%), nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42%).


Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng nhanh.

Hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến nay có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47% năm 2010 xuống còn 6,5%, còn tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47% lên 70% vào năm nay.

Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nam nghiện chích ma túy (khoảng 12%) và nhóm phụ nữ bán dâm (dưới 5%), xu hướng ổn định qua các năm. Tuy nhiên, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng rất nhanh trong thời gian qua từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022. Dự báo MSM là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam.

Về địa bàn, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu ở khu vực phía Nam và các thành phố lớn. Đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 70% số người nhiễm mới phát hiện trong 9 tháng đầu năm nay. Dù vậy, các số liệu cảnh báo dịch cho thấy các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đang tiềm ẩn các nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm.

Bà Hương đánh giá nguyên nhân dịch vẫn diễn biến phức tạp chủ yếu vẫn là do sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn tồn tại và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp. Điều này là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống dịch của người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.

Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Kết thúc dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn ca nhiễm mới hay ca tử vong do AIDS, mà đảm bảo rằng AIDS không còn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, với các tiêu chí như số ca nhiễm HIV mới dưới 1.000 ca mỗi năm và tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con dưới 2%.

Bộ Y tế khuyến cáo những người chưa nhiễm HIV thuộc các nhóm nguy cơ cao như nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người bán dâm, người tiêm chích ma túy... dùng dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) bằng cách uống mỗi ngày một viên thuốc để ngừa bệnh.

Người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị thì thông thường sau 6 tháng tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu). Khi đó, người này sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền từ mẹ sang con. Nhờ đó, nhiều người nhiễm HIV vẫn lấy vợ, sinh con khỏe mạnh.

Cập nhật: 25/11/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video