Giao thức khởi tạo phiên SIP (Session Initiation Protocol) được sử dụng để thiết lập các phiên trong mạng IP. Mỗi phiên có thể là một cuộc gọi điện thoại 2 chiều, một thông báo các tin nhắn... Chuẩn SIP giống giao thức H.323 ra đời trước đó ở chỗ cả hai đều có khả năng thiết lập và truyền tín hiệu các cuộc gọi trong mạng Internet. Tuy nhiên, khác với H.323, SIP là một giao thức ngang hàng, tương tác theo thời gian thực, do đó có thể xử lý thông tin trong cấu trúc mạng phức tạp.
Từ năm 1999 khi Tổ chức quốc tế chuyên trách công nghệ Internet (Internet Engineering Task Force) công bố SIP, hàng trăm nhà sản xuất đã bắt đầu kinh doanh máy chủ và điện thoại có tính năng SIP. SIP còn đóng vai trò then chốt trong nhiều ứng dụng đa phương tiện như tin nhắn nhanh, video, game online...
Đặc biệt, một vài năm trở lại đây, cộng đồng VoIP đánh giá SIP là giao thức hàng đầu để truyền tín hiệu qua Internet. Công nghệ này trở thành một thành tố quan trọng của mạng IP tích hợp dữ liệu (text) và thoại (voice). Chẳng hạn, các công ty có thể tiết kiệm chi phí khi chỉ dùng một đường dây duy nhất đến máy tính để bàn dùng IP (không cần đường dây thứ hai cho điện thoại truyền thống). Khi đó, máy tính hoạt động như một điện thoại softphone, cho phép người dùng thực hiện cuộc gọi bằng cách lựa chọn số điện thoại trong danh bạ trên PC.
Bên cạnh ứng dụng điện thoại Internet, hiện nay SIP cũng được triển khai rộng rãi trong thương mại điện tử. Là giao thức dựa trên HTTP, SIP hỗ trợ tích hợp dễ dàng tiếng nói với các dịch vụ Web khác để thực hiện truyền thông đa phương tiện như hội nghị truyền hình, giao lưu trực tuyến... Bộ phận trả lời cuộc gọi của khách hàng giờ có thể được thay thế bằng một trung tâm truyền thông dựa trên giao thức Internet hiệu quả hơn, có khả năng quản lý các đa kênh và giúp mở rộng quan hệ khách hàng.
Giới phân tích đánh giá SIP sẽ có vị trí vững vàng trong công nghệ không dây và mạng di động thế hệ thứ ba (3G). Cisco và nhiều hãng sản xuất thiết bị tổng đài IP đang đưa SIP vào phần cứng, còn Skype, Yahoo, Microsoft và America Online cũng tích hợp SIP trong hệ thống tin nhắn nhanh của họ. Tập đoàn viễn thông nổi tiếng WorldCom cũng đã mở hẳn một ngành kinh doanh công nghệ SIP và phối hợp với Microsoft để hỗ trợ giao thức trong bản thử nghiệm Windows XP Server.
Tại Việt Nam, chuẩn SIP chỉ mới được đưa vào ứng dụng trong dịch vụ điện thoại Internet quốc tế từ cuối năm 2005. Tiên phong cho ứng dụng này là dịch vụ Voice777 của Trung tâm viễn thông thế hệ mới VN (VNGT). Công ty điện toán và truyền số liệu VDC và Saigon Postel cũng đang đầu tư công nghệ và đường truyền để cho ra đời những dịch vụ mới sử dụng giao thức SIP.
Các nhà cung cấp trong nước sẽ còn phải đầu tư hơn nữa để ứng dụng mới được chấp nhận rộng rãi trên thị trường, song không thể phủ nhận rằng năm 2006 ứng dụng SIP sẽ còn được nhắc đến nhiều trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam.
Hải Nguyên