Mỗi đêm, dầu thừa từ các nhà hàng được lọc sơ, thu gom, đưa đến một nhà máy ở ngoại ô Thành Đô để tinh chế thành dầu công nghiệp.
Công ty Sichuan Jinshang Environmental Protection (SJEP) phát triển quy trình xử lý lượng lớn dầu lẩu đã qua sử dụng bị thải bỏ và chuyển đổi thành nhiên liệu hàng không, AFP hôm 21/11 đưa tin. Theo giám đốc Ye Bin, công ty đang sản xuất tới 150.000 tấn dầu công nghiệp hàng năm từ các nhà hàng lẩu và quán ăn khác tại Thành Đô.
Nhân viên nhà hàng ở Thành Đô đổ nồi nước lẩu lẫn dầu xuống phễu lọc để tái chế. (Ảnh: AFP).
Thông thường, vào buổi tối sau khi khách hàng rời đi, những người phục vụ của nhà hàng bắt đầu đổ nước lẩu vào một bộ lọc đặc biệt để tách dầu khỏi nước. Tiếp theo, những người thu gom do SJEP thuê, với tạp dề dày và găng tay cao su dài đến khuỷu tay, sẽ đến lấy những thùng đựng dầu mỡ này. Họ có thể ghé qua hàng trăm cửa hàng trong đêm.
Dầu lẩu sau đó được đưa đến một khu công nghiệp ở ngoại ô thành phố, nơi có nhà máy của SJEP. Dầu được dẫn vào các thùng lớn và trải qua quá trình tinh lọc để loại bỏ nước và tạp chất còn sót lại, trở thành dầu công nghiệp trong suốt màu vàng. Nhiên liệu này sẽ được xuất khẩu cho khách hàng, chủ yếu ở châu Âu, Mỹ, Singapore. Họ sẽ tiếp tục xử lý dầu để tạo thành "nhiên liệu hàng không bền vững" (SAF).
SAF đóng vai trò quan trọng giúp khử carbon trong ngành hàng không, lĩnh vực đóng góp 2% lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2022, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Nhưng loại nhiên liệu này vẫn chưa phổ biến, chỉ chiếm chưa đến 0,1% tổng lượng nhiên liệu hàng không được tiêu thụ, do chi phí xử lý cao và số nhà cung cấp còn khá ít.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính, sử dụng rộng rãi SAF có thể đóng góp khoảng 65% vào việc giảm lượng khí thải để giúp ngành hàng không đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. SJEP cũng dự định phát triển cơ sở sản xuất SAF riêng, sử dụng thiết bị từ công ty Mỹ Honeywell để sản xuất 300.000 tấn mỗi năm.
Mô hình hoạt động của SJEP là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm giải quyết lượng rác thải thực phẩm khổng lồ do dân số 1,4 tỷ người tạo ra. Theo một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí Nature, tại Trung Quốc, khoảng 350 triệu tấn nông sản - hơn 1/4 sản lượng hàng năm - trở thành rác thải do bị các nhà hàng, siêu thị hoặc người tiêu dùng vứt bỏ.
Tại các bãi chôn lấp, rác thải thực phẩm thối rữa tạo ra khí methane làm nóng khí quyển nhanh hơn hầu hết những vật liệu khác, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ. Đây là vấn đề đau đầu với các thành phố Trung Quốc và là mối đe dọa lớn với các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Trung Quốc đã khẳng định sẽ giải quyết vấn đề này với kế hoạch giảm phát thải khí methane, kêu gọi triển khai những dự án xử lý rác thải thực phẩm sáng tạo trên cả nước trong vài năm tới.