Cúm A/H1N1: Khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế

Cúm A/H1N1 ở Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn lây lan trong cộng đồng... Tình hình nghiêm trọng đó đã được đưa ra trong bản thông báo về Tình hình dịch cúm A/H1N1 đến 17h00 ngày 29/7/2009 của Cục Y tế Dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế nước ta.

Tình hình dịch trên thế giới 

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ngừng cập nhật số liệu hàng ngày các trường hợp dương tính được khẳng định bởi phòng xét nghiệm vì số trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 tăng quá nhanh ở một số quốc gia.

Theo thông báo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu (ECDC), đến ngày 29/7/2009, toàn thế giới đã ghi nhận 168.895 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 tại 145 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có 1.012 trường hợp tử vong. Hiện nay, dịch đang diễn biến phức tạp tại một số nước nam bán cầu nơi hiện giờ là mùa đông như Australia, Newzeland, Chi Lê, Argentina.  

Dịch cúm trên thế giới ngày càng tăng nhanh (Ảnh: KH.net)

Tại khu vực Đông Nam Á, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc mới tăng nhanh, nhiều nước đã ghi nhận tử vong: Philippines (mắc: 2668, tử vong: 03); Singapore (mắc: 1217, tử vong: 05); Brunei (mắc: 334, tử vong: 01); Malaysia (mắc: 1.219, tử vong: 03); Lào (mắc: 51, tử vong: 01); Indonesia (mắc: 416, tử vong: 01). Thái Lan đã ghi nhận 6.776 trường hợp dương tính, 65 ca tử vong; Bộ Y tế nước này đã xác nhận trường hợp lây nhiễm cúm A/H1N1 từ mẹ sang thai nhi đầu tiên. Hiện nay, nhiều trường học, nhà trẻ tại Thái Lan và Malaysia đã bị đóng cửa tạm thời để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm A/H1N1.

Tình hình dịch tại Việt Nam 

Ngày 29/7/2009, Việt Nam đã ghi nhận thêm 60 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, (miền Nam: 54 ca, miền Bắc: 1 ca, miền trung: 2 ca, Tây Nguyên: 3 ca).

Trong ngày, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thông báo kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với cúm A/H1N1 của 4 trường hợp nghi ngờ do tiếp xúc gần với người bệnh tại Tòa nhà Viettel, số 1 Giang Văn Minh, Hà Nội. 

Lãnh đạo Bộ Y tế thị sát tình hình điều trị bệnh nhân (Ảnh: TNO)

Như vậy, tính đến 17h00 ngày 29/7/2009, Việt Nam đã ghi nhận 763 trường hợp dương tính, không có tử vong.

Số bệnh nhân đã ra viện là 389; 374 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng.

Ngày 25/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 1245/CĐ-TTg yêu cầu chủ tịch UBND các cấp, các bộ, ngành chức năng triển khai một số biện pháp cấp bách nhằm hạn chế lây lan dịch trong cộng đồng. Công điện nêu rõ, tình hình cúm A/H1N1 ở Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn lây lan trong cộng đồng, do đó cả hệ thống chính trị và các phương tiện thông tin đại chúng phải tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng, chống để toàn dân tham gia chống dịch. 

Khuyến cáo của Bộ Y tế:

Hiện nay, tình hình dịch cúm A/H1N1 tiếp tục diễn biến phức tạp, để hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học chủ động theo dõi sức khoẻ hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm. Nếu có biểu hiện bệnh (sốt, ho, đau họng…) thì nên ở nhà, không đến trường ít nhất là 7 ngày sau khi bị bệnh, kể cả nếu khỏi sớm hơn; đồng thời thông báo cho ban giám hiệu, cơ quan y tế tại trường học biết để được tư vấn.

2. Học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học nếu phát hiện triệu chứng cúm khi đang ở trường thì chủ động cách ly vào phòng riêng, thông báo cho ban giám hiệu, cơ quan y tế tại trường học biết và nên về nhà ngay

3. Những người đang công tác tại các công sở, đặc biệt người dân sinh sống và làm việc tại các khu vực tập trung đông người như nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, ký túc xá... nếu có biểu hiện cúm hay nghi ngờ bệnh cúm thì cần chủ động cách ly và thông báo cho đơn vị và y tế cơ quan biết để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

4. Những người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS...), phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.

5. Mọi người dân tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi. Đặc biệt, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.

6. Khi có biểu hiện nghi ngờ cúm A/H1N1, hãy thông báo theo đường dây nóng của sở y tế trên địa bàn, các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989671115, Fax: 04.37366241, Email: baocaodich@gmail.com).

Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với tất cả các địa phương, Bộ/ban ngành liên quan, các nước và các tổ chức quốc tế để theo dõi sát tình hình, triển khai các biện pháp khống chế dịch, giảm thiểu sự lây lan và tác hại của đại dịch tại Việt Nam.

Theo N.A - Vietnamnet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video