Cúm H1N1 bùng phát ở đồng bằng Cửu Long

Chỉ trong vòng một tháng, miền Tây có ít nhất 12 trường hợp dương tính với virus cúm A/H1N1 làm 5 người tử vong. Ngành y tế các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang khẩn trương đối phó với dịch bệnh chết người.

Chiều 28/6, ông Trần Phong Nhã, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hậu Giang cho biết địa phương này đã có ca tử vong vì cúm H1N1 đầu tiên là ông Lý Văn Thanh (55 tuổi) ở ấp 12, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ. Ông Thanh ho, nóng sốt từ ngày 18/6 và điều trị ở cơ sở y tế tư nhân gần một tuần nhưng không khỏi. Ngày 24/6, ông được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Long Mỹ và sau đó chuyển lên Bệnh viện quân y 121 ở TP Cần Thơ điều trị.

Do bệnh quá nặng, ngày 26/6 ông Thanh tử vong. Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP HCM xác định bệnh nhân dương tính với virus cúm A/H1N1. Hiện 6 người nhà trực tiếp nuôi bệnh ông Thanh được cách ly, lấy mẫu gửi xét nghiệm. Ngành y tế tỉnh Hậu Giang cũng tiến hành phun thuốc tiêu diệt mầm bệnh, xử lý môi trường, hướng dẫn người thân của ông Thanh và hộ dân lân cận các biện pháp phòng chống cúm.


Nằm giữa các tỉnh đã có ca dương tính với cúm A/H1N1, tỉnh Sóc Trăng đang tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Đầu tháng này Sóc Trăng có vài ca nghi nhiễm cúm A nhưng kết quả xét nghiệm đều âm tính. (Ảnh: Duy Khang)

Chiều hôm qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau họp khẩn cấp với các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố để bàn kế hoạch phòng chống bệnh cúm H1N1 khi tỉnh này có 3 ca dương tính với virus. Đó là ông Lê Hoàng Bé, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau; chị Trần Thị Mùa (30 tuổi) ở thị trấn Cái Đôi Vàm của huyện Phú Tân và ông Lương Văn Đua (67 tuổi) ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh.

Theo ngành y tế, trước khi phát bệnh ông Bé đi công tác Hà Nội. Gần 10 ngày trước ông về Cà Mau rồi vào Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Tỉnh ủy khám với triệu chứng nóng sốt. Sau đó, Giám đốc Sở Nội vụ được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị nhưng diễn biến bệnh xấu thêm. Sáng 26/6, bệnh nhân sốt cao, khó thở nên được chuyển lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP HCM). Nơi đây lấy mẫu gửi xét nghiệm, cho kết quả dương tính với virus cúm A/H1N1.

Chị Mùa mới phát bệnh cách nay 4 ngày. Chị tự mua thuốc về uống nhưng không hết sốt mà cứ ho kéo dài nên gia đình đưa lên Bệnh viện đa khoa huyện Cái Nước điều trị. Vừa lấy mẫu gửi xét nghiệm, bệnh viện đã cho bệnh nhân uống ngay thuốc trị cúm A và thực hiện cách ly để phòng lây nhiễm. Riêng ông Đua, sau hơn 10 ngày điều trị đã khỏe mạnh trở lại, chuẩn bị xuất viện.

Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau cho biết ngoài việc tuyên truyền ý thức phòng chống bệnh để bà con sớm đến cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi cúm, chủ trương của ngành là cho bệnh nhân uống thuốc theo phác đồ điều trị bệnh cúm A/H1N1 khi vừa đến viện chứ không chờ đến khi có kết quả xét nghiệm.

"Chờ có kết quả xét nghiệm mới cho uống thuốc trị cúm thì có khi bệnh nhân chết rồi. Cho uống thuốc ngay nếu nghi cúm sẽ không tốn kém nhiều và cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh", ông Dân nói. Người nhà và 3 cán bộ đi công tác cùng với ông giám đốc Sở Nội vụ Cà Mau (nhiễm bệnh) đã được lấy mẫu gửi xét nghiệm. Vài chục người tiếp xúc các bệnh nhân dương tính cũng được cách ly, uống thuốc trị cúm dù chưa nóng sốt.


Ngành y tế khuyến cáo bà con sớm đến cơ sở y tế khám bệnh khi có những triệu chứng nóng sốt kéo dài. (Ảnh: Duy Khang)

Chỉ từ đầu tháng 6 đến nay miền Tây có ít nhất 12 ca nhiễm cúm A/H1N1. Đầu tiên là trường hợp tử vong của ông Lý Kim Sến (60 tuổi) ở xã An Long, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) vào ngày 3/6. Theo gia đình, trước khi bệnh ông Sến có ăn thịt vịt đã nấu chín do người khác làm thịt. Cùng thời điểm này nhiều cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang bị nóng, sốt. Kết quả xét nghiệm có 4 cán bộ dương tính với H1N1, sức khỏe những bệnh nhân này đã ổn định sau 10 ngày điều trị nhờ dùng thuốc đúng phác đồ cũng như sớm đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe.

Không được may mắn như những cán bộ Sở Tư pháp Tiền Giang, bà Phan ở Bến Tre, bà Lài cùng ông Luông ngụ Vĩnh Long đã tử vong vì H1N1. Cùng với ca đầu tiên ở Đồng Tháp và mới nhất ở Hậu Giang, đến thời điểm này miền Tây có 5 người thiệt mạng do cúm A/H1N1.

Ông Võ Thanh Ngà, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sóc Trăng cho biết hồi đầu tháng tỉnh này có vài ca nghi nhiễm cúm. Mẫu gửi xét nghiệm có kết quả âm tính và các bệnh nhân đã khỏe mạnh bình thường. Theo ông Ngà, cùng với công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp thì cúm A/H1N1 đang được địa phương tăng cường tuyên truyền thường xuyên để người dân có ý thức ngừa bệnh và trung tâm báo cáo quá trình giám sát dịch bệnh hàng ngày về Bộ Y tế.

Tại Bến Tre, Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán cho biết đã chuẩn bị cơ số thuốc để sẵn sàng cho bệnh nhân sử dụng khi có dịch bệnh xảy ra; tuyên tuyền, phối hợp với đoàn thể địa phương giải thích về cơ chế lây bệnh và hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Tán, cúm A/H1N1 tại Bến Tre được ngành y tế kiểm soát tốt. Tuy nhiên, các địa phương không được lơ là bởi sự biến đổi khí hậu sẽ làm biến đổi gen gây nên dịch bệnh đã biến đổi chu kỳ và biến đổi dịch tễ liên tục chứ không theo chu kỳ định sẵn 3 hay 5 năm như trước đây. Vì vậy, ngành y tế phải cảnh giác dịch bệnh thật cao độ để hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

Theo VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video