Cảm thấy cô em sinh đôi của mình gặp nguy hiểm, cô thiếu nữ vội lao đến giúp đỡ. Thì ra cô em, vốn bị động kinh đang gục ngã trong bể tắm và đã bất tỉnh. Kịp thời xốc cô em ra khỏi nước, cô chị vội đưa đi cấp cứu.
Hai cô gái người Anh Jane và Lynn Hutton là chị em sinh đôi khác trứng, năm nay 15, ra đời cùng ngày nhưng không hoàn toàn giống nhau. Mọi người đều thấy giữa hai cô có một mối liên hệ nào đó rất chặt chẽ và người này luôn cảm thấy bất an khi người kia có gì không ổn.
Có hay không mối liên hệ "thần giao cách cảm" giữa các anh chị em sinh đôi. Ảnh chỉ có tính chất minh họa. |
Lynn bị động kinh và thường rất bi quan về bệnh tật của mình. Hôm ấy, thấy khoẻ khoắn, Lynn quyết định đi tắm. Cô chị đang ngồi đọc sách, chợt thấy đầu óc choáng váng, như ngạt thở, bèn chạy sang phòng em xem Lynn có sao không. Không thấy em đâu, cô lao vào phòng tắm. Nhìn vào cô thấy đầu cô em đang chìm dưới mặt nước. Lôi em ra, toàn thân cô bé tội nghiệp đã bị tím tái hoàn toàn.
Jane kể với báo Daily Mail: “Tôi biết ngay rằng con bé lên cơn động kinh. Được cấp cứu kịp thời, thật may Lynn đã tỉnh lại và tôi hiểu mối nguy hiểm đã qua” . Còn bác sĩ nói: “Nếu không có Jane, chắc Lynn dã qua đời. Jane làm mọi việc thật xuất sắc”.
Lynn rất cảm động. Cô hiểu nếu Jane không can thiệp kịp thì cô chẳng sống được và biết rất rõ giữa hai chị em cô có một sợi dây liên lạc vô hình kết nối.
Bà mẹ hai cô rất phục hành động của Jane và bảo, bà không hiểu vì sao Jane có được cái linh cảm ấy. Và Jane thì khiêm tốn nói, bất cứ ai cũng làm như cô. Cách sơ cứu một người trước khi đưa đến bệnh viện ai mà không biết.
Các nhà khoa học từ lâu đã mong muốn giải thích được mối liên hệ bí hiểm tồn tại giữa những người sinh đôi. Người đầu tiên đề cập đến vấn đề này là nhà tự nhiên học người Anh Francis Halton. Chính ông đã lưu ý đến những sự trùng hợp kỳ lạ về số phận của những người sinh đôi cùng trứng.
Trước Chiến tranh Thế giới lần thứ II, tại Nga (lúc đó là Liên Xô) Viên Y học di truyền do nhà bác học nổi tiếng là Levit làm viện trưởng đã từng lập các bộ hồ sơ theo dõi những trường hợp lạ về những mối quan hệ di truyền của những người sinh đôi nhưng chưa tiến hành bất cứ một nghiên cứu khoa học nào vì không được phép. Đó là những chuyện bị quy kết là “những vấn đề duy tâm”.
Hiện nay ở rất nhiệu nước có những Trung tâm khoa học được tài trợ tốt làm việc trên cơ sở những ghi chép về những mối quan hệ đặc biệt giữa những anh chị em sinh đôi và sinh ba.
Có những chuyện lạ lùng về cặp hai chị em sinh đôi người Mỹ Brigitte và Dorothy, được nuôi nấng tách rời nhau từ khi mới ra đời. Mãi tới khi cùng đi học đại học, lần đầu tiên hai cô gái mới gặp nhau. Các nhà khoa học, và chính cả hai cô gái này đều rất ngạc nhiên khi thấy trên cổ tay trái của mỗi cô đều là bộ vòng sơmen (gồm 7 chiếc, tháo ra thêm vào theo thứ tự ngày trong tuần) và cổ tay phải, một cô đeo hai chiếc vòng, một cô chỉ đeo một chiếc, nhưng lại thêm chiếc đồng hồ.
Hai chị em sinh đôi người Mỹ. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Mặc dù hai cô gái được nuôi nấng và dạy dỗ trong hai gia đình khác nhau, nhưng sự khác biệt chỉ thể hiện ở sự giàu nghèo mà thôi. Hai cô đều đã lập gia đình và có hai con, một trai một gái đến tên cũng trùng nhau. Con trai cô chị có tên là Richard Andrew, con trai cô em là Andrew Richard. Con gái cô chị là Catherine Louisa, con gái cô em là Karen Louisa.
Các nhà nghiên cứu rất quan tâm đến mối liên hệ "thần giao cách cảm" giữa các cặp sinh đôi, và đã nhiều lần chứng minh bằng thực nghiệm những sự tương đồng đến khó hiểu. Một trong những thí dụ là trường hợp cặp sinh đôi 4 tuổi Sylvia và Martha Panda. Năm 1976, Martha bị bỏng nặng ở cánh tay và Sylvia, lúc này đang ở cách xa chị 20 km trên cánh tay, đúng ở các vị trí như Martha cũng tự nhiên xuất hiện các vết phỏng rộp.
Sau khi các bác sĩ quyết định tiến hành hàng loạt thí nghiệm với hai cô bé này. Người ta đưa các cô đi qua các gian phòng khác nhau và dùng camera theo dõi xem những gì đã xảy ra. Camera cho thấy ở phòng này, Martha vấp phải cái búa, cán búa đập vào đầu gối, cô xuýt xoa vì đau thì chính lúc đó, ở phòng kia, Sylvia bị vấp ngã, nhăn nhó lấy tay xoa đầu gối.
Và điều này mới thật lạ: Khi người ta chiếu một tia sáng chói vào mặt Sylvia thì ở gian phòng khác, dù chẳng có gì tác động, tự nhiên Martha đang đi bỗng dừng lại, đưa tay lên che mắt.
Sự giống nhau về nhiều chi tiết, hoạt động, sinh hoạt của các cặp sinh đôi còn rất nhiều điều bí mật mà khi chưa giải thích được, xưa kia người ta gói trọn trong thuật ngữ “thần giao cách cảm” (telepathy). Nhưng ngày nay, khi khoa học phát triển, có thể thiết kế được những máy móc, công cụ nghiên cứu mới, các nhà khoa học có nhiệm vụ phải giải mã các hiện tượng bí ẩn này.
Nguồn: Pravda.ru