Các bệnh nhân AIDS sẽ phải sống với phần đời còn lại bằng thuốc bởi virus HIV có thể ẩn nấp trong hệ miễn dịch và phản ứng dữ dội hơn nếu ngưng uống. Hy vọng chữa khỏi căn bệnh thế kỷ này lại được thắp sáng khi mới đây các nhà khoa học Pháp đã phát hiện ra một dấu hiệu sinh học cho phép nhận biết những tế bào T đã nhiễm HIV trong trạng thái ngủ đông nằm lẫn trong số các tế bào khỏe mạnh. Điều này có thể mở đường cho những loại thuốc tấn công vào những "tế bào dự trữ" này, từ đó diệt trừ tận gốc virus HIV và chữa khỏi hoàn toàn cho bệnh nhân.
Hiện nay liệu pháp ARV - dùng thuốc kháng retrovirus, có thể tiêu diệt được một lượng lớn virus, giúp bệnh nhân có được sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên,một lượng nhỏ tế bào virus vẫn còn sót loại trong khoảng hơn một triệu tế bào T khỏe mạnh. Một khi ngưng dùng thuốc, virus sẽ nhanh chóng nhân lên và bệnh nhân sẽ không bao giờ được chữa khỏi.
Liệu pháp ARV chỉ có thể tiêu diệt các tế bào T mang virus HIV đang hoạt động.
Khi nghiên cứu các tế bào lây nhiễm HIV trong phòng thí nghiệm, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ đại học Montpellier đã phát hiện một dấu hiệu sinh học, cụ thể là protein có tên CD32a vốn không có trên các tế bào khỏe mạnh. Sau đó họ nghiên cứu các mẫu máu từ 12 bệnh nhân HIV đang điều trị bằng liệu pháp ARV và tiến hành cách ly các tế bào có chứa dấu hiệu sinh học. Bằng việc sử dụng một kháng thể liên kết được với CD32a, nhóm nghiên cứu đã tách thành công các tế bào chứa protein này ra khỏi mẫu máu và đúng như dự đoán, tất cả đều đã nhiễm virus HIV.
Nghiên cứu này cho thấy hầu như tất cả các tế bào T bị phát hiện có chứa protein CD32a đều là các "tế bào dự trữ" nhiễm HIV. Ngược lại, những tế bào T bình thường hoặc những tế bào T mang virus HIV đang hoạt động lại không thể hiện dấu vết sinh học này. Liệu pháp ARV chỉ có thể tiêu diệt các tế bào T mang virus HIV đang hoạt động.
Thế nhưng điều không may là CD32a không thể hiện trên tất cả các tế bào T chứa HIV tiềm ẩn, do đó những loại thuốc tấn công vào những tế bào có CD32a sẽ không tiêu diện tận gốc HIV để sau cùng chữa khỏi hoàn toàn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đây vẫn là một phát hiện lớn bởi lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có thể nhận biết những tế bào nhiễm virus tiềm ẩn sau nhiều thử nghiệm thất bại kể từ năm 1996. Kĩ thuật này có thể được dùng để tăng cường các liệu pháp tìm, tách và diệt những tế bào chứa virus đang hoạt động khi sử dụng kết hợp với thuốc kháng retrovirus.
Sắp tới đây nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thử nghiệm tương tự trên một nhóm nhiều bệnh nhân hơn và thử nghiệm trên các mô vốn là "con mồi" yêu thích của HIV như dạ dày hay hạch bạch huyết.