Trong tương lai, nếu các robot của loài người muốn tìm thấy nước ở dạng lỏng trên Europa, một vệ tinh của sao Mộc, chúng sẽ phải đào rất sâu.
Klara Kalousova, một nhà khoa học của Đại học Nantes tại Pháp và Đại học Charles tại Czech, cùng các đồng nghiệp vừa hoàn thành một nghiên cứu về Europa, Livescience đưa tin.
Nghiên cứu mới cho thấy đại dương nằm cách
bề mặt Europa tối thiểu 25km. (Ảnh: Livescience)
Nhóm nghiên cứu sử dụng mô hình toán học để tính toán tính chất của nước và băng trong nhiều điều kiện khác nhau. Họ nhận thấy những khác biệt về độ nhớt và mật độ, cùng nhiều yếu tố khác, có thể khiến nước gần bề mặt Europa chảy xuống các lớp băng rất nhanh để tạo nên đại dương khổng lồ. Vì thế nước không thể nằm ngay sát bề mặt của Europa.
"Có thể một đại dương nước tồn tại trên Europa, song nó nằm khá sâu bên dưới bề mặt - khoảng 25 tới 50km. Nước mới chỉ xuất hiện trên Europa từ vài chục nghìn năm trước - tương đương một cái chớp mắt so với lịch sử 4,5 tỷ năm của hệ Mặt Trời", Kalousova phát biểu.
Nhiều nhà khoa học tin rằng Europa, có đường kính khoảng 3.100km, chứa một đại dương nước ngầm bên dưới lớp vỏ băng của nó. Mặc dù bề mặt Europa rất lạnh, phần vật chất bên dưới lớp vỏ vẫn tạo ra nhiệt nhờ lực hấp dẫn của sao Mộc.
Nước từng tạo nên sự sống trên địa cầu. Vì thế Europa là mục tiêu lý tưởng cho những nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài trái đất và trong Thái Dương Hệ trong tương lai.
Tuy nhiên, giới khoa học chưa hình dung được mức độ khó khăn trong việc phóng phi thuyền tới Europa để tìm kiếm đại dương ngầm, bởi họ không biết đại dương đó nằm ở độ sâu nào so với bề mặt. Một số nhà nghiên cứu đoán nước tồn tại vài km bên dưới bề mặt, song Kalousova khẳng định nước nằm sâu hơn thế.
Giới thiên văn cho rằng Europa không phải là vệ tinh tự nhiên duy nhất chứa nước trong hệ Mặt Trời. Callisto và Ganymede, hai vệ tinh khác của sao Mộc, và vệ tinh Enceladus của sao Thổ cũng có thể chứa nước.