Các nhà khoa học vừa tìm thấy bằng chứng mới cho thấy một vệ tinh của sao Thổ có đại dương hoặc hồ nước mặn bên dưới bề mặt đóng băng của nó.
|
Hơi nước và tinh thể băng tạo thành những cột mây khổng lồ trên bề mặt Enceladus. Ảnh: NASA. |
Tàu thăm dò Cassini của Mỹ phát hiện hơi nước và tinh thể băng thoát ra từ Enceladus, vệ tinh lớn thứ sáu của sao Thổ. Chúng tạo thành những cột mây khổng lồ có chiều cao tới vài trăm km. Tàu Cassini đã lấy được mẫu để phân tích.
Sau khi phân tích các nhà khoa học của Viện Vật lý hạt nhân Max Planck (Đức) nhận thấy các hạt băng chứa muối natri. Điều đó cho thấy chúng có nguồn gốc từ các hồ nước mặn hoặc biển.
"Chúng tôi còn nhận thấy nước ở trên đó có tính kiềm. Đây là điều kiện lý tưởng để các dạng sống phức tạp phát triển", tiến sĩ Frank Postberg thuộc Viện Max Planck, phát biểu.
Postberg cho rằng nước ở bên dưới bề mặt vệ tinh Enceladus không đóng băng vì nhận nhiệt từ lõi đá của thiên thể này.
|
Ảnh bề mặt vệ tinh Enceladus do tàu Cassini chụp vào năm 2007. Ảnh: NASA. |
Năm 2005 tàu Cassini từng phát hiện tinh thể băng thoát ra ở cực nam của Enceladus. Kể từ đó các nhà khoa học bắt đầu tranh cãi về việc thiên thể này có nước hay không. Vệ tinh lớn thứ sáu của sao Thổ được tạo nên bởi đá và băng. Nó có đường kính gần 500 km.
Cho tới tận bây giờ, phần lớn giới thiên văn học vẫn khẳng định trái đất là thiên thể duy nhất có sự sống trong hệ mặt trời. Họ cho rằng các hành tinh khác không thể có sự sống do chúng quá nóng, quá lạnh hoặc không có bầu khí quyển phù hợp cho sự tồn tại của các dạng sống.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây các tàu thăm dò đã tìm thấy nhiều dấu hiệu về sự tồn tại của nước trên nhiều vệ tinh của sao Thổ và sao Mộc. Enceladus chỉ là một trong ba vệ tinh phun ra hơi nước và tinh thể băng trong hệ Mặt Trời.