Công trình nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science Advances (Mỹ) ngày 11/4 mở ra khả năng chứng minh có sinh vật ngoài hành tinh đang cư trú trong hệ Mặt trời.
Trang tin eurekalert.org trích dẫn công trình nghiên cứu trên cho biết từ phân tích dữ liệu radar, các nhà khoa học đã khám phá ra hai hồ nước nằm ở độ sâu từ 550 đến 750 mét so với mặt băng tại khu vực núi băng Devon (thuộc lãnh thổ Canada) ở Bắc Cực. Đây được cho những hồ ngầm kín đầu tiên có chứa nước muối trên thế giới.
Khu vực núi băng Devon. (Ảnh: cbc.ca).
Chất lỏng trong môi trường âm độ C
Anja Rutishauser, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Alberta, cho biết đã phát hiện các hồ ngầm này trong quá trình nghiên cứu các dữ liệu radar trên không do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) kết hợp cùng Viện nghiên cứu Địa cầu thuộc Đại học Texas cung cấp, mô tả các điều kiện ở nền đá dưới núi băng Devon.
Sử dụng sóng điện từ xuyên qua băng và nhận tín hiệu phản xạ ngược lại từ các vật liệu dưới bề mặt, sau đó qua hệ thống radar để thu thập, phân tích dữ liệu, Rutishauser có thể nhìn xuyên mặt băng.
Nghiên cứu viên này chia sẻ: “Chúng tôi thấy những tín hiệu radar chứng tỏ có nước. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng không thể có chất lỏng bên dưới lớp băng này, nơi nhiệt độ ở dưới mức -10 độ C”.
Mặc dù hiện nay giới khoa học đã phát hiện hơn 400 hồ ngầm trên thế giới, tập trung chủ yếu ở Nam Cực, nhưng đây là hai hồ ngầm kín đầu tiên được phát hiện tại Bắc Cực.
Đặc biệt, không giống như tất cả những hồ trước đó khác vốn chứa nước ngọt, nước trong hai hồ này là Hypersaline - nước muối có hàm lượng cao (3-5%). Theo Rutishauser, nguồn gốc của việc này bắt nguồn từ các tảng đá ngầm có chứa muối bên dưới lớp băng.
Máy bay là phương tiện được sử dụng để ghi lại các dữ liệu radar. (Ảnh: cbc.ca).
Rutishauser đã cùng với người hướng dẫn của mình, nhà nghiên cứu địa chất UAlberta Martin Sharp và nhà nghiên cứu địa vật lý Dononteens cùng một số nhà khoa học khác thuộc Đại học Texas tại Austin, Đại học bang Montana, Đại học Stanford và Viện Nghiên cứu Scott Polar để kiểm tra giả thuyết của mình.
Các vùng nước với diện tích khoảng 8,5km vuông tồn tại ở nhiệt độ dưới mức đóng băng và không có bất kỳ mối liên kết nào với nguồn nước biển hoặc các nguồn nước do băng trên bề mặt tan chảy. Nước ở trong hồ chính là hypersaline, cho phép nước tồn tại ở dạng chất lỏng ở những nhiệt độ lạnh này.
Minh chứng về sinh vật ngoài Trái Đất?
Trước đó, vào năm 2011, các nhà khoa học thuộc Đại học Texas cho biết trên bề Europa - hành tinh nằm thứ 6 tính từ trong ra ngoài thuộc quỹ đạo của sao Mộc, mặt trăng lớn thứ sáu nằm trong trong hệ Mặt trời - đã phát hiện sự tồn tại của những hồ nước với lượng muối cao, tương tự như hai hồ nước vừa được phát hiện ở Canada.
Nhóm nghiên cứu tiết lộ, việc phát hiện hồ nước này rất thú vị bởi nếu chúng ta tìm thấy dấu hiệu về sự sống tại đây, rất có thể chúng ta cũng tìm thấy sự sống trên Europa.
Cảnh đẹp ở núi băng Devon. (Ảnh: cbc.ca).
Rutishauser chia sẻ thêm: “Nhóm nghiên cứu cho rằng hai hồ nước vừa được phát hiện có thể đóng vai trò tương tự tốt cho Europa khi hành tinh này có cùng điều kiện nước nước mặn bên dưới - và có thể bên trong - một lớp vỏ đá. Nếu tồn tại sự sống của các loài vi sinh vật thì chúng đã sinh sống dưới điều kiện băng giá ít nhất hơn 120.000 năm và chúng có thể phát triển dưới sự cô lập. Nếu chúng ta có thể thu thập một mẫu nước, chúng ta có khả năng xác định xem cuộc sống của vi sinh vật có tồn tại hay không cũng như quá trình phát triển và sự sinh tồn trong điều kiện lạnh lẽo không liên quan đến khí quyển”.
Hiện Rutishauser và các đồng nghiệp đang tiếp tục hợp tác với Quỹ W. Garfield Weston để tiến hành điều tra chi tiết về địa vật lý không khí trên núi băng Devon nhằm thu thập thêm thông tin về hồ nước và các bối cảnh địa chất cùng thủy văn của chúng.