Trà là một nét đặc trưng của nhiều nền văn hóa trên thế giới và được coi là có giá trị y học ở phương Đông.
Lịch sử của trà bắt nguồn từ Trung Quốc, vào năm 2737 trước Công nguyên, Hoàng đế Shen Nung đang ngồi dưới một tán cây và chờ người hầu đun sôi nước uống, khi đó có chiếc lá trên cây vô tình rơi trúng vào chén nước sôi của ông.
Shen Nung cũng là một nhà thảo dược nổi tiếng thời bấy giờ nên ông đã quyết định uống thử chén nước mà người hầu của ông đã vô tình tạo ra.
Thức uống đó là kết quả mà ngày nay ta gọi là trà và đó là lá của cây có tên khoa học là Camelia Sineusis.
Dưới triều đại nhà Đường, trà bắt đầu trở thành thức uống phổ biến của quốc gia, một nhà văn tên là Lu Yu đã viết cuốn sách đầu tiên hoàn toàn về trà tên là Ch’a Ching (hay gọi là Trà cổ điển).
Sau đó, các nhà sư thuộc phái Thiền tông Nhật Bản sang Trung Quốc tu đạo đã mang trà về xứ sở hoa anh đào. Trà bắt đầu phát triển rất mạnh ở Nhật Bản và dần hình thành nên nghệ thuật trà đạo vang danh khắp nơi.
Trong thế giới hiện đại ngày nay, trà được coi là một thức uống tinh túy và chữa bệnh phổ biến ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Sri Lanka, Hàn Quốc, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn nữa, các cửa hàng trà và các thương hiệu sang trọng với một số loại trà đắt tiền nhất được tuyển chọn đặc biệt cho những người sành trà.
Loại cây có tên "Đại Hồng Bào"
Trên ngọn núi Vũ Di, tỉnh Phúc Kiến, nằm ở phía Nam Trung Quốc có một phiến đá khắc 3 chữ màu đỏ "Đại Hồng Bào". Những nét chữ này do hòa thượng chùa Thiên Tâm đề tặng tên của một loại cây mọc cheo leo trên vách đá cao được mệnh danh là "quốc bảo" của Trung Quốc. Trên thực tế, đây là một nhóm gồm 3 thân và 6 gốc cây trà được gọi tên chung là "cây mẹ Đại Hồng Bào" hay còn gọi là Đại Hồng Bào Vũ Di Sơn. Vậy cây mẹ Đại Hồng Bào là loại cây thế nào?
Loại trà mọc trên vách đá núi cao dựng đứng quanh năm sương mù, mây phủ của núi Vũ Di.
Được định giá khoảng 1,2 triệu USD/kg, trà Da-Hong Pao (Đại Hồng Bào) là loại trà đắt nhất thế giới được trồng ở vùng núi Vũ Di, thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc và được công nhận là quốc bảo vì sự quý hiếm của nó, theo Lifestyle Asia.
Trong chuyến thăm chính thức của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông đã gửi tặng ông 200 gram Đại Hồng Bào tượng trưng cho hòa bình và hữu nghị giữa hai quốc gia.
Đại Hồng Bào là một loại trà ô long, lịch sử của nó bắt nguồn từ triều đại nhà Minh. Cái tên Đại Hồng Bào có nghĩa là "Áo choàng đỏ lớn" và theo truyền thuyết, hoàng đế Trung Quốc thời nhà Minh đã tặng áo choàng của mình đổi lấy một bình trà ô long này để giúp đỡ người mẹ ốm yếu.
Đại Hồng Bào được bảo vệ và xem như quốc bảo ở đất nước tỷ dân vì phẩm chất tuyệt hảo, độ nổi tiếng, quý hiếm của mình.
Theo trang Pure Taiwan Tea, vào khoảng 100 năm trước, con người đã tìm thấy 6 cây trà Đại Hồng Bào trên một vách đá ở núi Vũ Di. Loại trà này có mùi thơm ngát. Trong 50 năm sau đó, mọi người đã cố gắng lai tạo ra những loại trà này nhưng không đạt được kết quả.
Vào những năm 1970, họ phát hiện ra rằng giống trà này chỉ sống sót ngoài các tảng đá và Đại Hồng Bào dần dần trở nên phổ biến cho đến những năm 1980. Với đặc điểm khó trồng, năng suất thấp và chất lượng rất tốt, trà Đại Hồng Bào được coi là giống trà ô long quý nhất của Trung Quốc.
Loại trà Đại Hồng Bào tốt nhất đến từ các cây mẹ, chỉ có 6 loại trong số đó tồn tại hiện nay. Khoảng 20 gam trà Đại Hồng Bào từ cây mẹ đã được bán với giá khoảng 30.000 USD vào năm 2005, trở thành kỷ lục đấu giá cao nhất.
Đại Hồng Bào đặc biệt đến mức những chuyên gia môi giới phải tham gia thế giới của những người giàu có mê trà để làm trung gian giữa người bán và người mua.
Đại Hồng Bào cổ, xịn có mức giá không chỉ tính theo trọng lượng vàng mà đắt gấp 30 lần trọng lượng vàng, tức là gần 1.400 USD cho 1 gram trà, tính ra hơn 10.000 USD một ấm trà.
Theo các chuyên gia về trà ở vùng núi Vũ Di, Trà Đại Hồng Bào gốc quá đắt vì hiện nay chỉ còn lại vài cây trà cổ.
Vì sao loại cây trà Đại Hồng Bào Vũ Di Sơn lại được ưa chuộng và săn đón như vậy?
Theo các chuyên gia, sở dĩ loại cây này được đánh giá cao như vậy là bởi những nguyên nhân sau.
Thứ nhất là do những cây trà mọc trên vách núi. Đây là khu vực nắng chiếu ít, chủ yếu chỉ nhận được tia phản xạ; cộng thêm sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm ở đây khá lớn, đỉnh vách núi quanh năm có nước suối chảy qua mang theo khoáng chất đã bồi đắp cho những cây trà Đại Hồng Bào ở núi Vũ Di. Nhờ những điều kiện tự nhiên đặc thù này mà loại trà Đại Hồng Bào Vũ Di Sơn có được hương vị độc nhất vô nhị.
Thứ hai là do cách chế biến công phu. Loại cây trà Đại Hồng Bào này cần phải được hái hoàn toàn bằng tay, mỗi năm chỉ hái một lần vào tháng 5 hoặc tháng 6. Tiêu chuẩn hái lá trà tươi là mỗi búp chỉ có 2-3 lá và không được để chúng chạm xuống đất. Trà Đại Hồng Bào không dùng phương pháp rửa qua nước để làm sạch lá.
Lá trà sau khi hái được trải đều dưới nắng, dùng nắng và gió để hong khô. Sau khi lá héo mới chuyển vào nơi râm mát. Tiếp đến, lá trà được đựng trong một cây tre lớn để quá trình oxy hóa polyphenol được thuận lợi. Đây là một bước rất quan trọng và phức tạp để hình thành nên hương vị đặc biệt của loại trà này. Trà có thể sao bằng tay hoặc máy. Nhiệt độ sao trà bằng tay hay máy cũng có quy định khắt khe. Bước tiếp theo là nhào bằng máy hoặc tay để cuộn, xoắn lá trà thành hình dạng dây. Cuối cùng là bước đặt lá trà vào rổ rồi sử dụng nhiệt độ khác nhau để làm nóng và khô lá.
Để chế biến ra loại trà thượng phẩm Đại Hồng Bào, người ta phải qua rất nhiều khâu phức tạp. (Ảnh: Sohu).
Thứ ba là do hương vị đặc sắc của trà. Lá trà Đại Hồng Bào sau khi làm khô có hình dáng như những sợi dây thừng hơi xoắn. Chúng có màu xanh và nâu. Nước trà khi pha có mùi hương hoa lan đặc trưng và vị ngọt hậu kéo dài. Nước của nó có màu sánh vàng cam, trong vắt. Trà Đại Hồng Bào có thể giữ nguyên hương vị sau 9 lần hãm.
Thứ tư là do sự quý hiếm của loại cây trà Đại Hồng Bào Vũ Di Sơn. Kể từ khi tìm thấy những cây trà cổ thụ này vào khoảng 100 năm trước, trong suốt 50 năm sau đó, các chuyên gia đã cố gắng lai tạo loại cây này nhưng đều không thu được kết quả.
Theo một chuyên gia về trà, trà Đại Hồng Bào Vũ Di Sơn quá đắt vì hiện nay chỉ còn lại 6 cây mẹ. Vì vậy, loại trà này vô cùng quý, nếu không muốn nói là vô giá. Nó đặc biệt đến mức những chuyên gia môi giới phải tham gia thế giới của những người giàu có mê trà để làm trung gian giữa người bán và người mua. Hiện nay, do số lượng cực kỳ ít ỏi nên trà Đại Hồng Bào Vũ Di Sơn chỉ được dùng để phục vụ tiếp khách ngoại giao của Nhà nước và những sự kiện trọng đại.
Không những thế, để tránh cho loại cây này bị phá hoại, chính quyền tỉnh Phúc Kiến đã cử người canh gác 6 cây mẹ trên núi Vũ Di nghiêm ngặt.