Các nhà khoa học Đức phát hiện từ trường lớn nhất vũ trụ được tạo ra bởi sự va chạm giữa các cụm thiên hà.
Nhóm nghiên cứu tại Viện thiên văn vô tuyến Max Planck (MPIfR), Đức, phát hiện va chạm giữa các cụm thiên hà trong vũ trụ tạo ra từ trường khổng lồ. Một trong số chúng trải dài hàng triệu năm ánh sáng và lớn hơn hàng chục lần so với dải Ngân hà, theo International Business Times. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics hôm 22/3.
"Chúng tôi phát hiện từ trường ổn định lớn nhất trong vũ trụ, trải rộng 5-6 triệu năm ánh sáng", Maja Kierdorf, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Sự va chạm giữa các cụm thiên hà có thể tạo ra từ trường khổng lồ. (Ảnh minh họa: iStock).
Quá trình va chạm giữa các thiên hà gây ra sự nén ép khí gas nóng, tạo thành thứ trông giống hồ quang điện gọi là tàn tích (relic). Kể từ lần khám phá đầu tiên vào năm 1970 cho đến nay, tàn tích đã được phát hiện trong hơn 70 cụm thiên hà.
Các nhà khoa học sử dụng Kính thiên văn Vô tuyến Effelsberg khổng lồ tại Đức để ghi lại hình ảnh của 4 tàn tích va chạm được biết đến nhiều nhất. Một trong số đó là CIZA J2242+53.
Kết quả cho thấy, tàn tích là những cấu trúc có tổ chức và sự chuyển động của các hạt sẽ tạo ra từ trường khổng lồ. Hình dạng cũng như mật độ của tàn tích chỉ ra các cụm thiên hà có thể va chạm với nhau ở tốc độ trên 2.000km/giây.
"Từ trường này có cùng cường độ như trong dải Ngân hà, nhưng mang độ phân cực đặc biệt cao, lên đến 50%", nhóm nghiên cứu cho biết.
Kính thiên văn Effelsberg trong tương lai sẽ là công cụ lý tưởng để phát hiện thêm nhiều từ trường khổng lồ tương tự trong vũ trụ. "Giờ đây chúng ta có thể tìm kiếm từ trường ổn định trong các cụm thiên hà bằng cách sử dụng sóng vô tuyến phân cực", Rainer Beck, đồng tác giả nghiên cứu, nói.