UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định đầu tư 600 triệu đồng để phát triển cây thủy tùng trên địa bàn tỉnh.
Sau khi nhân giống thành công bằng phương pháp ghép cành mùa mưa này, cây thủy tùng sẽ được đưa về trồng thử nghiệm tại Khu bảo tồn thủy tùng của tỉnh Đắk Lắk.
Tiến sĩ Trần Vinh, công tác tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, là người nghiên cứu và nhân giống thủy tùng thành công bằng phương pháp ghép cho biết, hiện nay tại vườn ươm đã có hơn 1.000 chồi ghép.
Những cây ghép đầu tiên được đưa ra trồng thử nghiệm trong môi trường tự nhiên cách đây 2 năm, nay đã phát triển tốt. (Ảnh: Quốc Học)
Trên cơ sở này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định đầu tư 600 triệu đồng từ vốn sự nghiệp khoa học kỹ thuật để phát triển cây thủy tùng trên địa bàn tỉnh.
Trong mùa mưa này, Liên hiệp hội sẽ đưa 100 cây giống thủy tùng về trồng tại Khu bảo tồn thủy tùng, thuộc địa bàn các huyện Ea H’Leo, Krông Năng, Krông Búc, tỉnh Đắk Lắk.
Tiến sĩ Trần Vinh khẳng định: “Những cây thủy tùng do chúng tôi nhân giống bằng phương pháp ghép sinh trưởng rất khỏe trong vườn ươm. Đem ra ngoài đồng ruộng, đặc biệt là trồng ở những vùng cao, thì cây thủy tùng vẫn sinh trưởng phát triển bình thường. Tôi khẳng định cây thủy tùng này trồng được cả trên đất cạn và đất nước. Về mặt di truyền, thì phần trên của phần ghép hoàn toàn không khác với cây thủy tùng ở vùng bảo tồn, nó còn ra hoa, kết quả được ngay trong vườn ươm”.
Thủy tùng là loài thực vật cổ sinh, đặc hữu ở Việt Nam và chỉ có ở tỉnh Đắk Lắk. Do không có khả năng tái sinh trong tự nhiên và bị săn lùng ráo riết nên loài thủy tùng đang có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, việc nghiên cứu và lai ghép thành công giống thủy tùng có thể góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát triển loài cây có giá trị này.