Theo một giả thuyết khá thú vị thì ý thức đơn giản chỉ là năng lượng chứa đựng trong cơ thể của chúng ta và được giải phóng sau cái chết, có thể tìm một vật chủ mới.
Trong cuốn sách của mình, "Life After Life: A Scientific Investigation of Children's Memories of Previous Lives" (Cuộc sống sau cuộc sống: một cuộc điều tra khoa học về ký ức về các kiếp trước của trẻ em), tiến sỹ Tucker đã phỏng vấn 2.500 em nhỏ có dấu hiệu đã được đầu thai – ví dụ như có những ký ức mà chúng chưa từng trải nghiệm, hay có những vết sẹo, những vết bớt tương đồng với người được cho là kiếp trước của chúng.
Vị tiến sỹ chuyên ngành tâm lý học đến từ Đại học Virginia cho biết đầu thai là có thật, bởi ý thức là một dạng năng lượng tồn tại ở cấp độ lượng tử, hạ nguyên tử, được chứa đựng trong cơ thể của chúng ta chứ không phải là một phần của nó.
Tuy nhiên, chính xác thì ý thức là gì vẫn là một bí ẩn đối với giới khoa học nói chung. Các nhà nghiên cứu đến nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn để đưa ra một lời giải thích cụ thể về nó.
Theo một số nhà khoa học có uy tín trên thế giới, các cơ chế lượng tử cho phép ý thức tiếp tục tồn tại sau khi cơ thể con người chết đi.
Tiến sỹ Robert Lanza đưa ra một khái niệm gọi là "chủ nghĩa sinh học" (biocentrism) – một giả thuyết trong đó cho rằng ý thức được giải phóng vào vũ trụ thông qua các hạt hạ nguyên tử sau cái chết.
Tiến sỹ Tucker đã áp dụng giả thuyết này, nói thêm rằng dòng năng lượng được giải phóng có thể tìm kiếm một vật chủ mới.
Chuyên gia về "đầu thai học", Tiến sỹ Jim Tucker.
Ông phát biểu rằng: "Một số nhà khoa học hàng đầu trong quá khứ, như Max Planck, cha đẻ của thuyết lượng tử, từng xem ý thức là nền tảng và vật chất được chuyển hóa từ nó mà ra".
"Như vậy có nghĩa rằng ý thức không nhất thiết phải lệ thuộc vào một bộ não vật lý mới tồn tại được, và có thể tiếp tục sau khi bộ não vật lý và cơ thể chết đi".
"Trong những trường hợp đó, ít nhất thì dựa trên những gì thể hiện ra, có vẻ như ý thức sau đó đã gắn kết với một bộ não mới, và thể hiện ra dưới dạng những ký ức về kiếp trước".
Một trong những người ông phỏng vấn là cậu bé James Leninger, con trai của một cặp vợ chồng theo Cơ đốc giáo ở Louisian.
Ở thời điểm được phỏng vấn, cậu bé mới chỉ 2 tuổi, nhưng bị cuốn hút bởi những chiếc máy bay đồ chơi của mình, và cuối cùng bắt đầu có những cơn ác mộng trong đó cậu là nạn nhân của một vụ rơi máy bay.
Tiến sỹ Tucker tiếp tục: "Trong buổi phỏng vấn, cậu bé nói về vụ rơi máy bay đó, và nói rằng cậu từng là một phi công, và cậu đã lái máy bay cất cánh từ một chiếc tàu".
"Và khi cha cậu hỏi tên chiếc tàu đó, cậu nói nó là Natoma. Và cậu nói cậu bị bắn hạ bởi người Nhật; rằng cậu bị sát hại ở Iwo Jima; rằng cậu có một người bạn trên tàu, tên là Jack Larsen".
"Hóa ra có một tàu sân bay tên USS Natoma Bay hoạt động trên Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ II. Nó đã tham gia vào trận chiến ở Iwo Jima"
"Và họ đã mất một phi công tại đó, một cậu trai trẻ tên James Huston. Máy bay của James Huston bị bắn hạ đúng như cách James Leininger đã miêu tả - đạn trúng động cơ, nổ tung, rơi xuống nước và chìm trong tích tắc".
Tiến sỹ Tucker nói thêm: "Giống như hầu hết các trường hợp khác, ký ức đó mai một dần khi cậu bé lên 5, 6 hoặc 7 tuổi, một điều bình thường. Nhưng chắc chắn nó đã ở đó, khá mạnh mẽ, trong một thời gian".