Con người sẽ có thể truy cập Internet trong vũ trụ

  •  
  • 1.625

Trong tương lai, con người sẽ có thể truy cập Internet trong vũ trụ nhờ một mạng mới mang tên Cosmonet mà các kỹ sư Nga đang bắt tay nghiên cứu thực hiện.

Con người sẽ có thể truy cập Internet trong vũ trụ
Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn internet)

Theo các nhà thiết kế Cosmonet, mạng mới này sẽ cho phép truy cập Internet cực nhanh và đặc biệt là trong không gian vũ trụ.

Mục tiêu ưu tiên của Cosmonet là giải quyết các vấn đề tầm cỡ nhà nước như đảm bảo liên lạc giữa các thiết bị vũ trụ, điều khiển các tàu vũ trụ từ bất cứ địa điểm nào trên hành tinh cũng như thiết lập liên lạc ổn định với các khu vực hẻo lánh của Liên bang Nga. Điều đặc biệt quan trọng là đảm bảo liên lạc đáng tin cậy với vùng cực.

Bên cạnh đó, Cosmonet sẽ giúp kiểm tra hành trình di chuyển của các mặt hàng nguy hiểm, liên lạc với tàu biển từ bất cứ vùng biển nào trên các đại dương.

Phó Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Vitaly Davydov cho biết đề án Cosmonet phát huy hệ thống liên lạc vệ tinh “Gonets” hiện hành và nâng cao chất lượng hơn nữa.

Theo ông, bên cạnh việc coi trọng nhiệm vụ đảm bảo liên lạc ổn định và thường xuyên với các thiết bị vũ trụ của Nga, Cosmonet cần có khả năng liên lạc với các khối đo lường và điều khiển.

Trạm vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới.
Trạm vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới.

Để được như vậy, Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga sẽ nâng mạng Internet lên tầm cao quỹ đạo. Hiện nay, trên thế giới không có đề án tương tự. Ông bày tỏ hy vọng Nga sẽ là nước đầu tiên nắm bắt thị trường dịch vụ liên lạc quỹ đạo.

Chủ tịch công ty “Các hệ thống liên lạc vệ tinh Gonets,” ông Aleksandr Galkevich cho biết theo kế hoạch, trên quỹ đạo gần Trái Đất sẽ bố trí 48 vệ tinh phát tín hiệu bao phủ toàn thế giới, trong đó riêng đối với lãnh thổ của Nga có 18 vệ tinh. Nhờ đó, Cosmonet sẽ có thể trở thành loại dịch vụ được yêu cầu nhiều trên thị trường thế giới.

Theo chuyên viên Galkevich, dịch vụ tổng hợp dành cho những người truy cập Internet gồm giải pháp liên lạc bằng giọng nói, phổ cập Internet băng thông rộng, cũng như tổ chức hội nghị cầu truyền hình.

Các nhà thiết kế Cosmonet đặc biệt nhấn mạnh rằng đây là hệ thống liên lạc thế hệ mới, không lệ thuộc vào cơ sở hạ tầng trên mặt đất. Hoạt động liên lạc sẽ được duy trì thông qua các trạm bố trí trên vệ tinh. Có nghĩa là trong các tình huống khẩn cấp như trận động đất, hoặc thiên tai nói chung, khi nhiều trạm thu phát trên mặt đất thường bị hỏng, Cosmonet sẽ vẫn đảm bảo hoạt động ổn định.

Theo số liệu sơ bộ, đề án Cosmonet trị giá gần 20 tỷ rúp, vốn đầu tư sẽ hoàn lại sau 10 năm hoạt động.

Theo kế hoạch, các công việc chuẩn bị sẽ kéo dài ba năm. Dự kiến trong 5 năm tới sẽ thành lập nhóm vệ tinh đầy đủ giá trị cho hệ thống mạng vũ trụ này.

Theo Quantrimang
  • 1.625