Cách phòng tránh ngộ độc khí than khi sưởi ấm

Ngộ độc khí - cái chết thầm lặng do đốt than sưởi ấm

Không ai có thể ngờ, loại khí không mùi, không màu này lại có thể hạ gục con người một cách nhanh chóng đến thế!

Nhiệt độ giảm đột ngột, nhiều gia đình mua máy sưởi hoặc dùng điều hòa hai chiều để giữ ấm. Song, không phải ai cũng có điều kiện trang bị, nhất là người ở vùng núi cao, kinh tế chưa phát triển. Đốt than sưởi là cách giúp họ chống chọi thời tiết. Năm nào cũng có những ca tử vong hoặc ngộ độc khí do đốt than sưởi trong phòng kín.

Bác sĩ Lê Hoàn, phó khoa Nội tiết Hô Hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đốt than tổ ong, than củi sưởi ấm trong điều kiện thiếu khí sẽ khí CO2 và CO, là hai khí không cần thiết đối với cơ thể. Trong đó, CO là loại khí cực độc, không màu, không mùi nên nhiều người không biết, dần cảm thấy khó thở rồi ngất hoặc lịm đi ngay khi đang ngủ. Nạn nhân hít phải khí CO thường sẽ bị tổn thương não và tim, nhẹ thì mắc các bệnh hô hấp như hen, viêm phế quản, viêm phổi, nặng hơn có thể tử vong.

Câu hỏi được đặt ra là, khí than cháy liệu có khả năng gây chết người?

Rất tiếc, câu trả lời là có. Bạn cần biết rằng, than củi cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra một loại khí cực độc là carbon monoxide (CO).


Khí than tỏa ra rất nhiều khí CO - kẻ giết người thầm lặng.

Nạn nhân khi hít phải khí này nặng thì bị tử vong, nhẹ hơn thì để lại di chứng thần kinh - tâm thần.

Khí CO (carbon monoxide) giết người như thế nào?

Cần nói rõ, khí carbon monoxide (CO) là một chất khí không màu, không mùi, thoát ra từ các loại nhiên liệu như than củi, xăng propane, methane, hay dầu mỏ đốt nửa chừng (cháy không hoàn toàn).


Khi cơ thể hít phải loại khí này, nó sẽ đi vào phổi rồi vào máu, ở đây CO kết hợp với hemoglobin (hồng huyết cầu) trong máu tạo thành cacboxy hemoglobin (HbCO).

Chất này ngăn chặn quá trình giải phóng oxy trong tế bào, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến tình trạng thiếu oxy..

Khi sắc tố hồng huyết cầu hết dưỡng khí thì cơ thể cũng cạn dưỡng khí. Ngoài ra, khí CO cũng có thể kết hợp với myoglobin (sắc tố trong bắp thịt) làm hư hại tế bào và phát sinh môi trường chuyển hóa acid.

Do là chất khí không màu, không mùi, không gây kích ứng nên chính nạn nhân cũng khó cảm nhận được sự hiện diện của CO trong không khí.

Chỉ đến khi nạn nhân bắt đầu cảm nhận "bất thường" thì chân tay không cử động được nữa, hôn mê và dẫn đến tử vong. Lý do là bởi CO dần len lỏi vào cơ thể gây sụt giảm oxy trong máu, ở tất cả các cơ quan.

Cơ quan nào càng cần nhiều oxy như não, tim... thì cơ quan đó càng gặp nguy hiểm.

Triệu chứng khi bị ngộ độc khí CO

Triệu chứng ngộ độc CO thường bắt đầu bằng cảm giác nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, khó thở rồi từ từ đi vào hôn mê.

Ở mức độ nặng hơn, nạn nhân sẽ cảm thấy tức ngực, nhìn lờ mờ, khó thở, mạch nhanh... phổi dường như nghẹt cứng, không còn hoạt động được nữa.

Lúc này, nạn nhân có thể lên cơn co giật, bất tỉnh, não bị tổn thương vĩnh viễn, tim ngừng đập và tử vong.

Theo những số liệu nghiên cứu khoa học cho thấy, kể cả những trường hợp nhẹ nhất trong những trường hợp người bị ngộ độc khí CO, có tới khoảng gần 50% sẽ gặp những biến chứng về sức khỏe tâm thần, thần kinh, tổn thương não sau này. Nhẹ nhất có thể là suy giảm trí nhớ các mức độ khác nhau, thậm chí có thể là hôn mê, hoặc mất trí nhớ hoàn toàn.

Do đó, BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo với người dân: Tuyệt đối không đốt các loại nhiên liệu như than tổ ong, củi, than hoa, khí gas,… để trong không gian kín. Nếu bắt buộc phải sử dụng thì không được sử dụng trong phòng kín, nên để mở cửa thoáng để có lưu thông khí đầy đủ. Tốt nhất là chọn phương pháp khác để sưởi ấm.

Một vấn đề nữa là cấu trúc nhà ở của người dân hiện nay rất có vấn đề về mặt thông khí, phần lớn tự xây, tự thiết kế và rất kín trong khi không có hệ thống thông khí hay chí ít thì có ô thoáng, có cách để bơm khí từ bên ngoài vào và hút khí từ trong ra.

Cần làm gì khi phát hiện nạn nhân bị ngạt khí CO?

Nghi ngờ người bị trúng độc khí CO thì bạn ngay lập tức cần đưa người bệnh ra khỏi khu vực đó, hoặc mở tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà - bằng mọi cách cho bệnh nhân ngừng tiếp cận khí CO.

Nếu bệnh nhân mới bị nhẹ thì sẽ nhanh chóng hồi phục, tỉnh táo lại. Tuy nhiên, trong trường hợp bị nặng hơn thì cần tiến hành hô hấp nhân tạo và nhanh chóng đưa người bệnh vào viện cấp cứu.

Người cấp cứu nạn nhân cũng nên gọi thêm người hỗ trợ, đề phòng trường hợp bị ảnh hưởng bởi khí độc.

Oxy được xem là “thuốc giải độc” cho các trường hợp ngộ độc khí CO. Do đó, khi sơ cứu, người nhà nên cho nạn nhân thở mặt nạ oxy ngay. Nếu nạn nhân bị ngưng hô hấp tuần hoàn, chúng ta phải cấp cứu ngừng tuần hoàn và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Bác sĩ Nguyễn Khánh Dương, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khuyến cáo người dân không nên đặt lò than để sưởi ấm trong phòng ngủ, không ngủ trong garage ôtô hoặc để máy nổ, máy phát điện ở nơi kín gió (tầng hầm, gầm cầu thang) để tránh xảy ra tình huống ngộ độc khí CO.

Sưởi ấm bằng than còn nguy hiểm hơn ở người già và trẻ nhỏ, những người hệ hô hấp yếu, sức đề kháng kém. Đặt than trong nhà, phòng để sưởi cũng có thể gây hỏa hoạn hoặc bỏng nặng. Do đó, mọi người nên hạn chế đốt than sưởi, nhất là gia đình có phụ nữ mới sinh và trẻ nhỏ.

Trường hợp thường xuyên phải dùng bếp than để đun nấu, nên đặt bếp ở nơi thông thoáng. Không đặt lò than trong phòng ngủ, nơi kín gió. Không đốt qua đêm. Trang bị đèn sưởi, điều hòa hai chiều để tăng nhiệt độ trong phòng. Duy trì nhiệt độ phòng 25-28 độ C, thoáng nhưng tránh có gió lùa. Không nên để nhiệt độ phòng quá ấm có thể gây bỏng cho trẻ sơ sinh hoặc sốc nhiệt khi ra ngoài trời lạnh, làm tăng nguy cơ tê buốt, máu khó lưu thông, thậm chí gây hạ thân nhiệt, đột quỵ.

Cập nhật: 29/01/2024 Tổng Hợp
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video