Cá mập Greenland chỉ cần khoảng 200g cá mỗi ngày để sống sót với tuổi thọ lên tới vài trăm năm.
Quá trình trao đổi chất chậm trong toàn bộ cuộc đời
Bằng cách tìm hiểu tốc độ trao đổi chất, nhóm nghiên cứu đứng đầu là Eric Ste-Marie ở Đại học Windsor, Canada, thu được nhiều thông tin hữu ích về cá mập Greenland trước áp lực môi trường. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Experimental Biology, Eric Ste-Marie và cộng sự kiểm tra lượng thức ăn mà cá mập Greenland cần để sống sót qua ngày.
Phân bố chủ yếu ở các vùng biển Nam Cực và biển Bắc Đại Tây Dương cũng như vùng biển bao quanh Greenland, cá mập Greenland là loài cá mập bơi chậm, cơ thể chúng có chiều dài từ 2,4m đến 7m và có thể nặng đến 1,5 tấn.
Loài cá săn mồi này chuyên ăn cá hồi, lươn biển, hải cẩu và thậm chí cả gấu vùng cực nếu chúng có cơ hội săn được. Tuy nhiên, các bữa ăn của chúng rất xa nhau.
Cá mập Greenland trao đổi chất rất chậm. (Ảnh: Dive Magazine).
Đây là một trong những loài vật sống lâu nhất trên Trái đất và động vật có xương sống tuổi thọ dài nhất thế giới. Giới nghiên cứu cho rằng chúng có thể sống tới 500 năm. Một nghiên cứu trên tạp chí Science năm 2016 ước tính tuổi thọ của 28 con cá mập Greenland, cá thể dài nhất khoảng 335 - 392 tuổi.
Nhóm của Eric Ste-Marie bắt 30 con cá mập Greenland trong 5 năm, gắn thẻ, lấy mẫu vật và lắp máy đo sinh học thu thập thông tin về chuyển động, nhiệt độ cơ thể của chúng và nhiệt độ nước. Kết quả cho thấy cá mập Greenland rất lờ đờ, di chuyển xung quanh ở tốc độ rất chậm. Sử dụng thông tin trên, nhóm nghiên cứu có thể xác định nhu cầu calo của cá mập Greenland. Theo đó, một cá thể nặng khoảng 227 kg cần ăn 57 - 184 g cá hoặc động vật biển có vú để sinh tồn.
Nghiên cứu mới của nghiên cứu sinh tiến sỹ Ewan Camplisson từ Trường đại học Manchester, Anh cho thấy, tốc độ trao đổi chất của những con cá này không chậm đi cùng với tuổi thọ. Điều này có thể giải thích vì sao cá mập thường sống rất lâu. Quá trình này lại không giống như vậy ở hầu hết các động vật, kể cả con người. Ví dụ như trao đổi chất của con người có xu hướng chậm dần ở người có tuổi, chính vì thế khi về già con người dễ tăng cân không lành mạnh.
Qua theo dõi hoạt động của 5 enzyme trao đổi chất trong mô cơ cá mập Greenland, nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ở hầu hết các loài, hoạt động của các enzyme này thay đổi ở các giai đoạn phát triển khác nhau của cơ thể.
Một số enzyme giảm dần hoạt động theo thời gian vì chúng có thể bị lão hóa hoặc hỏng, trong khi số khác sau đó có thể hồi phục và tăng hoạt động trở lại để đảm bảo cơ thể vẫn sản xuất đủ năng lượng.
Còn ở những con cá mập Greenland có tuổi từ khoảng 60 đến 200 năm được nghiên cứu thì không có thay đổi đáng kể trong hoạt động enzyme. Tất nhiên một con cá mập Greenland 200 tuổi thì vẫn có thể chỉ đang ở tuổi trung niên, vì thế điều này có thể không đúng khi chúng bước sang thế kỷ thứ 3 hoặc thứ 4 của cuộc đời.
Tới đây, nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu hoạt động của các enzyme khác để xem những enzyme này có thay đổi hay không và thế nào khi cá mập già đi.
Bức ảnh một con cá mập Greenland, chụp ở vịnh Admiralty, Nunavut, Canada (Ảnh: /Wikimedia commons).
Quá trình lão hóa vô cùng phức tạp
Những kết quả nghiên cứu này vẫn còn cần một quá trình lâu dài nữa mới có thể áp dụng để cải thiện sức khỏe con người bởi vì quá trình lão hóa là một hệ thống cực kỳ phức tạp và chúng ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu biết đầy đủ về nó.
Ví dụ như những thay đổi trong trao đổi chất chỉ là một phần của diễn tiến lão hóa ở con người. Các khiếm khuyết về gen, sự mất ổn định protein và một số quá trình khác được gọi là "dấu hiệu lão hóa". Các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu kỹ hơn những đặc điểm nổi bật này để xác định cá mập Greenland có dấu hiệu lão hóa thông thường hay không.
Mặc dù đặc điểm lão hóa khác biệt của cá mập Greenland đã giúp chúng sống hàng thế kỷ nhưng đó cũng có thể là con dao hai lưỡi khi gặp phải môi trường đang thay đổi nhanh chóng.
Loài vật này được Liên minh Bảo tồn thế giới coi là loài "sắp nguy cấp" và có thể quá chậm chạp để thích nghi với các biến đổi của khí hậu, biển bị ô nhiễm và các yếu tố có hại khác.