Ngoài biển lớn, ít loài dám cả gan bắt nạt cá mập trắng lớn. Thế mà có loài dám lùa cả cá mập để ăn được món gan sống giàu dinh dưỡng.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2019 cho thấy cá voi sát thủ rất giỏi đe dọa sinh vật được coi là hung thần đại dương; vậy là cái ngôi vương “đột vật ăn thịt đầu bảng” của biển cả đáng lẽ chỉ có một chủ thôi.
Nhóm các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra rằng cá mập trắng lớn (tên khoa học là Carcharodon carcharias) sẽ ngay lập tức bơi tránh ra chỗ khác khi thấy sự hiện diện của cá voi sát thủ (Orcinus orca).
“Khi đối diện với cá voi sát thủ, cá mập trắng sẽ lập tức rời bỏ khu vực săn mồi ưa thích mà tránh đi chỗ khác, thậm chí có thể rời đi tới một năm sau mới quay lại, ngay cả khi con cá voi sát thủ chỉ bơi ngang chỗ nước đó mà thôi”, nhà hải dương học Salvador Jorgensen công tác tại Công viên Hải sinh Vịnh Monterey cho hay.
Cá voi sát thủ.
Đội ngũ thu thập dữ liệu từ hai nguồn: việc đến và đi của 165 cá mập trắng lớn được gắn chip định vị trong khoảng thời gian 2006 và 2017; bên cạnh đó là lượng dữ liệu thu được trong 27 năm về số lượng cá thể của cá voi sát thủ, cá mập và hải cẩu. Ban Khoa học Bảo tồn Point Blue có trụ sở ngoài khơi bờ biển San Francisco là bên đã đưa cho đội ngũ nghiên cứu của Jorgensen số dữ liệu quý giá.
Đội ngũ cũng theo dõi 4 cuộc chạm trán giữa cá mập trắng lớn và cá voi sát thủ ngoài trong một khu vực biển được bảo tồn tại California, nhằm đối chiếu dữ liệu với những thứ đã có được.
Phân tích và kết luận: mỗi khi cá voi sát thủ xuất hiện trong vùng, thì lần nào cũng vậy, cá mập nhanh chóng lẩn đi, trốn tránh tới tận mùa nước tiếp theo. Chỉ trong vòng vài phút là cá mập đã rẽ nước bơi mất, ngay cả khi con cá voi sát thủ chỉ lởn vởn ở vùng nước chưa đầy một giờ đồng hồ.
Hành động này của cá mập lại có lợi cho loài hải tượng phương Bắc (Mirounga angustirostris), vốn là món khoái khẩu của cá mập trắng lớn.
Hải tượng phương Bắc.
“Trung bình, chúng tôi phát hiện ra khoảng 40 vụ hải tượng bị tấn công bởi cá mập trắng mỗi mùa nước”, nhà nghiên cứu Scot Anderson nói. “Sau khi cá voi sát thủ xuất hiện, không hề xuất hiện một trường hợp tấn công và tiêu diệt mục tiêu nào của cá mập ở vùng nước này”.
Không phải lúc nào cá mập cũng tránh đi thật xa. Đôi lúc, chúng chỉ bơi dọc bờ biển cho tới khi cảm thấy đủ an toàn, nơi chúng vẫn đủ gần để tiếp cận đàn hải tượng. Đôi lúc, chúng sẽ bơi thẳng ra giữa Thái Bình Dương, tới vùng nước tụ tập đông đảo cá mập trắng, được gọi với cái tên không chính thức là Quán Cafe Cá Mập Trắng.
Hành trình di chuyển theo thời gian trong năm của cá mập, ra "quán cafe" rồi lại về vùng nước quen thuộc.
Cá mập trắng lớn.
Các bạn cũng đừng nghĩ rằng cá voi sát thủ bắt nạt cá mập cỡ nhỏ: có những cá thể cá mập trắng lớn dài tới 5,5 mét, vốn xưng bá ở mọi con nước chúng đặt vây tới, vẫn phải cuốn gói khi thấy cá voi sát thủ. Các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều trường hợp cá voi sát thủ săn cá mập ở các vùng biển trên thế giới. Dù rằng chưa rõ lý do chính xác tại sao, ta cũng có thể suy đoán dựa trên những xác cá mập trắng dạt vào bờ, mang trên hông vết cắn của cá voi sát thủ: những cái xác này đều mất đi miếng gan béo bở, giàu vitamin.
Xác cá mập trôi dạt vào bờ biển.
Thắc mắc nhỏ: Trên lý thuyết thì cá mập trắng lẫn cá voi sát thủ đều là kẻ săn mồi đầu bảng ở miền nước mặn, nhưng liệu cá mập trắng lớn đời trước có dạy hậu duệ rằng “tránh (cá) voi chẳng xấu mặt nào”?
Có lẽ ta chưa thể trả lời câu hỏi này ở thời điểm hiện tại. Cũng như mối quan hệ giữa cá mập trắng lớn và cá voi sát thủ, cần nhiều hơn những nghiên cứu và công nghệ hiện đại hơn để vén màn bí ẩn.