Thằn lằn bay Dracula sống cách đây khoảng 66 triệu năm lớn tương đương hươu cao cổ khi đứng và có thêm đôi cánh với sải cánh dài 12m.
Một trong những mẫu vật đáng chú ý nhất của Bảo tàng Khủng long Altmuhltal ở Denkendorf, Đức, là hóa thạch của một loài thằn lằn bay sống ở Transylvania, Romania, cách đây 66 triệu năm. Đây cũng có thể là sinh vật lớn nhất từng bay trên Trái đất. Năm 2009, khi phát hiện hóa thạch ở bồn địa Hateg, Transylvania, Romania, các nhà khoa học đã đặt biệt danh cho nó là Dracula.
Mô hình thằn lằn bay Dracula tại Bảo tàng Khủng long Altmuhltal, Đức. (Ảnh: Axel Schmidt/Bảo tàng Khủng long Altmuhltal).
Bảo tàng Khủng long Altmuhltal trưng bày một bản sao của hóa thạch Dracula cùng bộ xương mô hình và một bức tượng kích thước thật của sinh vật này. Với chiều cao ước tính 3,5m và sải cánh 11,4 - 12m, nó có thể so sánh với một con hươu cao cổ khi đứng, hoặc một chiếc máy bay nhỏ khi bay.
Dracula thuộc họ thằn lằn bay Azhdarchidae, nổi tiếng với kích thước đồ sộ, nhưng thông thường chỉ có sải cánh tối đa khoảng 10m. Do đó, nó vẫn là một kẻ khổng lồ ngay cả khi so sánh với họ hàng.
Tuy nhiên, câu hỏi khiến giới khoa học đau đầu nhiều năm qua là một sinh vật khổng lồ như Dracula, thậm chí những họ hàng thằn lằn bay của nó, có thực sự bay được hay không. Một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Scientific American cho rằng các đặc điểm khớp cổ tay của Dracula có thể nghĩa là con vật không có cấu tạo phù hợp để bay. Tuy nhiên, điều này vẫn chỉ là suy đoán do hóa thạch của Dracula bị phân tán nghiêm trọng và không đầy đủ.
Mô phỏng Dracula, thằn lằn bay lớn nhất từng được phát hiện. (Ảnh: Frederik Spindler/Bảo tàng Khủng long Altmuhltal).
Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Current Biology năm 2024, nhóm nhà khoa học tại Đại học Leicester đã nghiên cứu lịch sử tiến hóa của thằn lằn bay thông qua hóa thạch tay và chân của chúng. Trong quá trình nghiên cứu, họ phát hiện một sự thay đổi rõ rệt vào giữa kỷ Jura, khi giải phẫu bàn tay và bàn chân của thằn lằn bay trở nên giống với những loài động vật sống dưới mặt đất hơn.
"Ở các loài thằn lằn bay đầu tiên, các chi sau được nối lại bằng một màng bay, gây cản trở lớn đến việc đi bộ và chạy. Ở những loài thằn lằn bay phát triển sau, màng này tách ra dọc phần giữa, cho phép mỗi chi sau di chuyển độc lập. Đây là một sự đổi mới quan trọng, kết hợp với sự thay đổi của bàn tay và bàn chân, giúp nâng cao đáng kể khả năng di chuyển trên mặt đất của thằn lằn bay", đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ David Unwin, cho biết.
Đây là chìa khóa cho việc chúng phát triển cơ thể to lớn hơn. "Khi không còn bị giới hạn bởi việc leo trèo, thằn lằn bay thời kỳ sau có thể phát triển đến kích thước đồ sộ, một số loài trở thành những gã khổng lồ thực sự của đại Trung sinh (252 - 66 triệu năm trước)", Unwin nói.
"Việc thằn lằn bay có thể bay chỉ là một phần của câu chuyện. Bằng cách khám phá cách chúng sống trên cây hay dưới mặt đất, chúng ta có thể bắt đầu hiểu vai trò của chúng trong các hệ sinh thái cổ đại", tác giả chính của nghiên cứu, Robert Smyth, nhận định.