Dễ gì "đua" lên không gian

Vụ phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 5 thất bại hồi đầu tháng 7 khiến các sứ mệnh mặt trăng sắp tới của Trung Quốc bị trì hoãn.

Quá trình chuẩn bị cho tham vọng chinh phục sao Hỏa vào năm 2020 của Trung Quốc đang "diễn ra suôn sẻ", trong khi Mỹ và Nga cũng đẩy mạnh hoạt động thăm dò "hành tinh đỏ".

Điểm nóng mặt trăng, sao Hỏa

Nhà khoa học Zhang Rongqiao - người đứng đầu dự án đưa tàu thăm dò và con người lên sao Hỏa của Bắc Kinh vào năm 2020 - gần đây cho biết nước ông đang cố gắng để trở thành quốc gia đầu tiên thám hiểm cả bề mặt lẫn quỹ đạo sao Hỏa trong một nhiệm vụ đơn lẻ. Cụ thể, tàu thăm dò sẽ tách khỏi tàu vũ trụ bay theo quỹ đạo của sao Hỏa và đáp xuống một khu vực ở Bắc bán cầu của hành tinh đỏ này nhằm thu thập dữ liệu về nhiệt độ, điều kiện khí quyển và cảnh quan trên đó.

Bắc Kinh sau đó sẽ tiến hành những sứ mệnh tiếp theo để thu thập mẫu đất và đá trên sao Hỏa. Ông Zhang tiết lộ hành trình lên sao Hỏa dự kiến kéo dài khoảng 7 tháng.

Để hỗ trợ sứ mệnh, Bắc Kinh đang xây dựng một cơ sở mô phỏng sao Hỏa trị giá 400 triệu nhân dân tệ (khoảng 60 triệu USD) ở một khu vực hẻo lánh phía Tây Bắc, mục đích thúc đẩy nghiên cứu về hành tinh đỏ và du lịch địa phương. Ngoài ra, một "cabin vũ trụ" cũng ra đời ở Bắc Kinh - nơi các nhà khoa học nghiên cứu những ảnh hưởng đối với nhóm tình nguyện viên trải qua 200 ngày sống trong môi trường khép kín.

Tham vọng của chương trình không gian Trung Quốc không chỉ dừng lại ở sao Hỏa. Bắc Kinh đang lên kế hoạch đưa tàu thăm dò lên sao Mộc vào năm 2036 và sao Thiên Vương vào năm 2046.


Hình ảnh phác họa tàu thăm dò sao Hỏa của Lockheed Martin và con người trên sao Hỏa. (Ảnh: LOCKHEED MARTIN).

Không chỉ Trung Quốc nhằm mục tiêu chinh phục hành tinh đỏ. Liên Xô, Mỹ, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Ấn Độ đều đưa tàu thăm dò lên sao Hỏa nhưng chỉ có Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) triển khai thành công một tàu thăm dò xuống bề mặt hành tinh bí ẩn này.

Trong nỗ lực giúp NASA chinh phục mục tiêu đưa con người lên sao Hỏa sớm nhất là vào năm 2030, Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) vừa hé lộ kế hoạch chế tạo một tàu thăm dò sao Hỏa với nhiên liệu là hydro lỏng tạo ra từ nước, có khả năng tái sử dụng.

Ngoài ra, tập đoàn này cho biết thêm đang xây dựng "căn cứ sao Hỏa" một phòng thí nghiệm khoa học quay trên quỹ đạo của hành tinh đỏ để phục vụ sứ mệnh. Từ căn cứ này, các tàu thăm dò có người sẽ được đưa xuống bề mặt sao Hỏa trong những sứ mệnh lặp đi lặp lại. Ông Rob Chambers, Giám đốc chiến lược về du hành vũ trụ của con người của Lockheed Martin, tiết lộ 4 phi hành gia có thể tham gia một sứ mệnh đổ bộ lên sao Hỏa kéo dài 2 tuần.

Ông Chambers gọi sứ mệnh đưa người đến sao Hỏa là sự khởi đầu của kỷ nguyên mới "khám phá về chính chúng ta và hệ mặt trời, cũng như vị trí của trái đất trong đó".

Không dễ "ăn"

Lockheed Martin thuộc trong số vài công ty đang bắt tay với NASA trong những dự án không gian sâu nói trên. NASA hiện chuẩn bị cho những sứ mệnh đưa con người lên không gian nằm giữa trái đất và mặt trăng trong thập kỷ tới để chuẩn bị cho những chuyến đi đến sao Hỏa. Vào tháng 3-2016, NASA lần đầu tiên tiết lộ kế hoạch xây dựng một trạm không gian mới tên gọi Deep Space Gateway (tạm dịch: Cổng không gian sâu - DSG) trong quỹ đạo mặt trăng.

DSG được kỳ vọng là nơi tiến hành các sứ mệnh có người tham gia trên bề mặt mặt trăng hoặc thậm chí là sao Hỏa trong tương lai. Mỹ đang làm việc với nhiều đối tác, như Cơ quan Không gian châu Âu, Canada và Nhật Bản trong khuôn khổ chương trình DSG. Đến tháng 9 qua, Cơ quan Không gian Nga thông báo tham gia dự án này.

Thực tế cho thấy cuộc đua chinh phục không gian chưa bao giờ là chuyện "dễ ăn". Hôm 25/9, Tổng Thư ký Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc (CNSA), ông Tian Yulong, thông báo vụ phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 5 thất bại hồi đầu tháng 7 khiến các sứ mệnh mặt trăng sắp tới của nước này bị trì hoãn. "Long March 5 là một thách thức lớn hơn đối với CNSA. Có lẽ vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ hiểu rõ vấn đề (về vụ phóng thất bại)" - ông Tian cho biết.

Nguyên nhân thất bại của vụ phóng Trường Chinh 5 nói trên được cho là liên quan tới động cơ hoặc bộ phận đẩy của tên lửa. Kết quả, vệ tinh liên lạc Shijian-18 được tên lửa mang theo không thể đi vào quỹ đạo. Theo kế hoạch ban đầu, vụ phóng tiếp theo của Trường Chinh 5 diễn ra trong tháng 11. Tên lửa này sẽ mang tàu thăm dò Hằng Nga 5 lên mặt trăng để lấy các mẫu thử và trở về trái đất. Tuy nhiên, ông Tian cho biết sứ mệnh này giờ đây đã bị hoãn lại, trong lúc tiến độ xây dựng trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng.

Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, một thách thức khác đến từ mối đe dọa đến sức khỏe con người khi tham gia các sứ mệnh thám hiểm không gian sâu hoặc đến sao Hỏa. Một nghiên cứu mới của 2 nhà khoa học Frank Cucinotta, Eliedonna Cacaoat thuộc Trường ĐH Las Vegas (Mỹ) phát hiện tác hại của tia vũ trụ cao gấp 2 lần so với những gì người ta suy nghĩ trước đó. Tia này có thể gây ung thư, bệnh đục thủy tinh thể, các vấn đề về tuần hoàn máu, phá hủy thần kinh…

Tia vũ trụ bao gồm các hạt hạ phân tử và nguyên tử năng lượng cao, sinh ra từ các vụ nổ ngôi sao và hố đen vũ trụ. Phi hành gia là đối tượng bị ảnh hưởng bởi tia vũ trụ cao hơn nhiều so với người trên trái đất vì bầu khí quyển của hành tinh xanh đóng vai trò "khiên chắn" bảo vệ chúng ta khỏi những nguồn năng lượng có hại.

Cập nhật: 16/11/2017 Theo NLĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video