Những "đối thủ đáng gờm" của SpaceX, NASA trong cuộc đua chinh phục sao Hỏa

  •  
  • 1.229

Hãy điểm danh các "vận động viên" trong cuộc chạy đua lên sao Hỏa, trong đó, những đại diện mới từ châu Á cũng rất đáng gờm!

Thứ 6 ngày 29/9/2017 vừa qua, CEO của SpaceX là Elon Musk đã tiết lộ những bước tiến mới nhất trong giấc mơ chinh phục sao Hỏa của mình tại Hội nghị Thiên văn học Quốc tế (IAC) lần thứ 68 tổ chức tại thành phố Adelaide (Nam Australia).

Nhưng không chỉ có Elon Musk và công ty SpaceX của mình nuôi dưỡng tham vọng này, trên thế giới vẫn có những "đối thủ nặng ký" với Elon Musk, họ cũng đang tăng tốc cho cuộc đua chinh phục không gian mà đích đến chính là sao Hỏa, cụ thể:

1. NASA và Boeing (Mỹ)

NASA là ứng cử viên sáng nhất trong cuộc đua lên sao Hỏa.
NASA là ứng cử viên sáng nhất trong cuộc đua lên sao Hỏa. (Ảnh NASA).

Cuộc chạy đua lên sao Hỏa bắt đầu từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước mà ban đầu chỉ là cuộc đua song mã giữa Mỹ và Liên Xô (nay là Nga) trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà khởi đầu là những bức ảnh đầu tiên do tàu vũ trụ Mariner 4 (Mỹ) chụp được năm 1965.

Liên Xô cũng bứt phá ngay sau đó khi gửi tín hiệu thăm dò lên sao Hỏa. Mặc dù vậy Mỹ vẫn chạy trước một bước khi tàu thăm dò Mariner 6 và 7 được phóng thành công 4 năm sau đó, trong khi Liên Xô vẫn thất bại sau 2 lần nỗ lực làm điều tương tự.

Đến năm 1971 thì NASA đã là nước đầu tiên phóng thành công tàu vũ trụ Mariner 9 bay quanh quỹ đạo sao Hỏa, Liên Xô vẫn theo sát Mỹ với thành công tương tự của các tàu Mars 2, Mars 3.

Kể từ đó, 2 quốc gia này đều cạnh tranh gay gắt không ngừng nghỉ nhưng càng về sau thì Mỹ có lẽ đã vượt xa Liên Xô và Nga sau này với những thành công ấn tượng.

Không may sau đó, các con tàu như Mars Climate Orbiter, Mars Polar Lander đều gặp sự cố khiến NASA phải đánh giá lại tham vọng của mình. Tuy thận trọng hơn vì những thất bại nhưng NASA vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ sao Hỏa với con tàu Mars Odyssey được phóng đi năm 2001.

Một đại diện đáng gờm khác cũng tới từ Mỹ là hãng sản xuất máy bay Boeing khi tuyên bố sẽ đánh bại SpaceX của Elon Musk trong cuộc đua lên sao Hỏa.

Boeing tuyên bố sẽ đánh bại SpaceX.
Boeing tuyên bố sẽ đánh bại SpaceX. (Ảnh Beyond Earth).

Trước đó, Boeing đã giúp NASA đánh bại Liên Xô trong cuộc đua Mặt Trăng.Dennis Muilenburg, CEO của Boeing còn hùng hồn tuyên bố tại 1 sự kiện ở Chicago (Mỹ): "Tôi tin rằng người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa sẽ đi trên một quả tên lửa của Boeing".

Hiện nay, hãng này vẫn tiếp tục hợp tác với NASA nhằm tạo ra loại tên lửa đẩy mạnh mẽ nhất "Space Launch System" hay Saturn V để tạo lực đẩy cho cuộc chạy đua sau này.

Giờ đây cả NASA và Space X, Boeing vẫn là những đại diện cho Mỹ trên cuộc đua vào không gian. Cuộc đua song mã đã trở thành cuộc đua sôi động của rất nhiều "vận động viên" tham gia khác tới từ châu Á và châu Âu:

2. Các đại diện từ châu Á

a. UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất)

UAE sẽ tham gia vào cuộc đua lên sao Hỏa.
UAE sẽ tham gia vào cuộc đua lên sao Hỏa. (Ảnh The National).

Tháng 2 năm 2017, UAE đã thông báo kế hoạch xây dựng cả một thành phố đầu tiên trên hành tinh Đỏ năm 2117 thông qua Cơ quan Truyền thông Dubai.

Saeed Al Gergawi - Giám đốc chương trình sao Hỏa tại Mohammed bin Rashid Space Centre (MBRSC) đã công bố kế hoạch trên tại hội nghị thượng đỉnh Humans to Mars, Washington, DC.

b. Ấn Độ

Ấn Độ là quốc gia tới từ châu Á đầu tiên có thể phóng thành công tàu thăm dò Mars Orbiter Mission (MOM) hay Mangalyaan (theo tiếng Hindi là "Tàu sao Hỏa") từ hòn đảo nằm ở phía nam Shriharikota lên sao Hỏa.

Indian Space Research Organization (Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ) cũng cho biết mỗi năm nước này 1,1 tỷ USD/năm dành cho các chương trình không gian đưa quốc gia đông dân này trở thành một đối thủ nặng ký trong cuộc đua sao Hỏa.

c. Trung Quốc

Trung Quốc cho thấy tham vọng sao Hỏa những năm gần đây.
Trung Quốc cho thấy tham vọng sao Hỏa những năm gần đây. (Ảnh Daily Mirror).

Những đại diện đầu tiên tới từ châu Á chính là Nhật Bản và Trung Quốc, tuy nhiên năm 2003 Nhật đã thất bại khi đưa về tinh lên quỹ đạo sao Hỏa dù cho là một cường quốc công nghệ.

Trung Quốc sau đó cũng thất bại với tàu thăm dò sao Hỏa Yinghuo-1, điều này đã làm choTrung tâm Khoa học không gian quốc gia Trung Quốc quyết định dừng thử nghiệm các dự án lên sao Hỏa lại cho tới năm 2016.

Trung Quốc chỉ trở lại đường đua với con tàu sẽ được phóng năm 2020 sau khi Ấn Độ đẩy mạnh tốc độ trong cuộc đua với kỷ lục thế giới bằng cách phóng 104 vệ tinh chỉ từ một tên lửa duy nhất.

Năm 2022, Trạm không gian (CSS) hoàn thiện đầu tiên của Trung Quốc cũng sẽ đi vào hoạt động như một khẳng định về chiến lược lâu dài mà Trung Quốc sẽ không dễ gì từ bỏ đường đua.

3. Các đại diện tới từ châu Âu

a. European Space Agency (Cơ quan vũ trụ Châu Âu - ESA)

Mặc dù thất bại trong việc đưa tàu thăm dò hợp tác với Nga là Trace Gas Orbiter (TGO) hay tàuSchiaparelli đổ bộ lên bề mặt sao Hỏa để tìm kiếm dấu hiệu sự sống trong khí quyển sao Hỏa.

Đây là một phần sứ mệnh của nhiệm vụ ExoMars – một sự hợp tác giữa ESA và cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga trong công cuộc chinh phục sao Hỏa trong tương lai.

b. Hà Lan

Hà Lan cũng đặt mục tiêu đưa người lên sao Hỏa năm 2027 do chính CEO của Mars One là Bas Lansdorp tuyên bố.

Bas Lansdorp tiết lộ kế hoạch đưa người lên sao Hỏa trong 10 năm tới.
Bas Lansdorp tiết lộ kế hoạch đưa người lên sao Hỏa trong 10 năm tới. (Ảnh: Mars One).

Ông cho biết nhóm người được chọn sẽ sống đến hết đời trên sao Hỏa với 4 người cho chuyến đi đầu tiên và mỗi chuyến đi sẽ cách nhau 2 năm. Mặc dù vậy, tuyên bố này được cho là quá ngông cuồng và bất khả thi vì chi phí cho dự án... quá bèo!

Có thể thấy, cuộc đua chinh phục hành tinh đỏ đang ở trong những giai đoạn sôi động hơn bao giờ hết. Hy vọng trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ được chứng kiến những màn bứt phá mà các tổ chức và quốc gia trên hứa hẹn.

Cập nhật: 03/10/2017 Theo soha
  • 1.229