Để trẻ ngủ ngoài trời 0°C để rèn sức khỏe

Tại sao các bậc cha mẹ Bắc Âu lại để con ở ngoài trời để ngủ trưa trong giá lạnh?

Bạn có bao giờ để con nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, ngủ trưa ngoài trời giá rét, thậm chí khi nhiệt độ có thể xuống dưới 0°C? Hầu hết các bậc cha mẹ ở Bắc Âu sẽ không ngần ngại làm việc đó. Đối với họ, đây chỉ là “việc thường ngày ở huyện”.

Lang thang khắp thành phố ngập tuyết này, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy hàng dãy xe đẩy bên ngoài các tiệm cà phê trong khi các bậc phụ huynh đang nhấm nháp món đồ uống ưa thích ở bên trong.


Trẻ em ở các nước Bắc Âu như Thụy Điển thường được cha mẹ cho ngủ trong xe nôi ngoài trời, dù thời tiết xuống dưới 0°C. (Ảnh: BBC).

“Tôi nghĩ để trẻ ở ngoài không khí trong lành càng sớm càng tốt là điều đúng đắn, đặc biệt vào mùa đông, khi vô số bệnh tật rình rập xung quanh… Bọn trẻ dường như khỏe mạnh hơn”, Lisa Mardon, một bà mẹ 3 con ở Stockholm, người đang làm việc cho một công ty phân phối thực phẩm, nói.

Cô Mardon đã để cả 3 đứa con của mình ngủ ngoài trời từ khi chúng sinh ra. Đứa bé nhất, Alfred, mới 2 tuổi và được mẹ cho ngủ trong xe nôi ngoài trời ngày 1 lần, khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Khi bé hơn, cậu bé còn chợp mắt kiểu này tới 2 lần/ngày.

Việc để con ngủ ngoài trời không phải là xu hướng mới xuất hiện gần đây ở Thụy Điển. Cha mẹ, ông bà của cô Mardon cũng đã làm chuyện đó với con cái của mình từ những năm 1950.

Hiện tại, hầu hết các trung tâm giữ trẻ ban ngày ở Thụy Điển đều để trẻ nghỉ ngơi ngoài trời. Tại Forskolan Orren, một trường mẫu giáo ở ngoại ô Stockholm, tất cả bọn trẻ đều ngủ ngoài trời cho tới khi chúng 3 tuổi.

Brittmarie Carlzon - hiệu trưởng của trường tiết lộ: “Khi nhiệt độ xuống tới -15°C, chúng tôi luôn dùng chăn phủ ngoài các xe nôi. Trong những ngày này, chúng tôi mang các xe nôi vào trong nhà trong một khoảng thời gian nhất định khi bọn trẻ ngủ, nhưng hầu hết thời gian chợp mắt của chúng vẫn diễn ra ở ngoài trời”.


Một đứa trẻ ngủ trong xe nôi ngoài trời có gắn thiết bị giám sát điện tử trong thời tiết xuống tới -10°C. (Ảnh: BBC)

Một nhóm học sinh tại trường mẫu giáo này luôn vui chơi và học tập ngoài trời, từ 9h sáng tới 3 giờ chiều hàng ngày. Ở ngoài không khí thoáng đãng, bọn trẻ làm mọi thứ mà những đứa trẻ khác thường làm ở bên trong và chỉ vào nhà lúc ăn trưa hoặc khi thời tiết lạnh bất thường.

Việc để trẻ chợp mắt ngoài trời là hiện tượng phổ biến ở tất cả các nước Bắc Âu. Nguyên lý cho cách hành xử này là, trẻ em được tiếp xúc với không khí thoáng đãng, dù vào mùa đông hay mùa hè, ít cả khả năng bị cảm cúm hoặc cảm lạnh hơn và rằng, trải qua cả ngày trong một căn phòng đóng kín với khoảng 30 đứa trẻ khác không đem lại bất kỳ lợi ích nào cho trẻ.

Nhiều bậc phụ huynh cũng tin rằng, con cái của họ ngủ ngon hơn và sâu giấc hơn khi ở ngoài trời. Một nhà nghiên cứu Phần Lan khẳng định bà đã thu được các bằng chứng khảo sát ủng hộ quan điểm này.

“Trẻ nhỏ rõ ràng là ngủ ngoài trời được lâu hơn trong nhà (1,5 – 3 tiếng so với 1 – 2 tiếng). Có thể, việc hạn chế cử động quần áo đã kéo dài giấc ngủ và môi trường lạnh cũng làm cho việc quấn tã dễ chịu hơn thời tiết nóng”, nhà nghiên cứu Marjo Tourula cho biết.

Theo nghiên cứu của bà Tourula, -5°C là nhiệt độ thích hợp nhất cho việc chợp mắt ngoài trời, mặc dù một số bậc phụ huynh kể thậm chí đã cho con ngủ bên ngoài ở -30°C.


Trẻ ngủ trong xe nôi bên ngoài một tiệm cà phê ở Copenhagen (Đan Mạch). (Ảnh: BBC)

Liệu những đứa trẻ ngủ ở ngoài trời rốt cuộc có ít bị cảm cúm và cảm lạnh hơn? Theo bác sĩ nhi khoa Margareta Blennow, các báo cáo của Cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển đã cho thấy những kết quả mâu thuẫn. Trong một số nghiên cứu, họ phát hiện trẻ mẫu giáo sinh hoạt nhiều giờ ở ngoài trời, không chỉ riêng việc ngủ, nhìn chung ít phải nghỉ ốm hơn những bạn đồng trang lứa sinh hoạt phần lớn thời gian bên trong các không gian đóng kín. Một số nghiên cứu khác lại không chỉ ra bất kỳ khác biệt nào.

Martin Jarnstrom, lãnh đạo một trong các hệ thống trường mẫu giáo Ur och Skur và là người ủng hộ việc để trẻ chợp mắt ngoài trời, lưu ý, mặc dù thời tiết lạnh nhưng trẻ luôn phải được giữ ấm bằng cách mặc đồ len và quần áo ấm, dùng túi ngủ ấm…

Người Thụy Điển có một câu ngạn ngữ đại ý “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo tồi”. Vì vậy, khi nhìn thấy trẻ nhỏ ở các nước khác bị buộc phải ở trong nhà khi nhiệt độ xuống dưới 0°C, người Thụy Điển có thể đã đúc kết một câu ngạn ngữ khác “Một chút không khí thoáng đãng chẳng gây tổn hại ai”.

Lời khuyên chính thức của các chuyên gia Phần Lan

Bất kể mùa nào trong năm, nhiều trẻ đã ngủ đêm trong xe nôi để ngoài trời. Nhiều trẻ ngủ ngoài trời, trong bầu không khí thoáng đãng, ngon giấc hơn trong phòng ngủ. Ngủ ngoài trời không nguy hiểm đối với một đứa trẻ. Mẹ và bé có thể dần dần bắt đầu ra ngoài khi đứa trẻ được 2 tuần tuổi.

Ngay cả khi hầu hết các trải nghiệm của phụ huynh đều tích cực, các chuyên gia và chuyên gia tư vấn vẫn cảnh giác với thực tế này. Trẻ sơ sinh ngủ trưa trong nhiệt độ đóng băng có thể có những lợi ích nhưng cũng có những rủi ro.

Trẻ sơ sinh không thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tốt như người lớn; nhiệt độ cơ thể của em bé có thể giảm nhanh gấp bốn lần so với người lớn! Nếu không chú ý giữ ấm cho trẻ, khả năng trẻ bị hạ thân nhiệt có thể tăng lên rất nhiều.

Đảm bảo trẻ có thể dễ dàng tiếp cận và quan sát được là điều hết sức quan trọng. Các quốc gia Bắc Âu như Phần Lan, Đan Mạch và Iceland thường xuyên đứng đầu một số quốc gia hạnh phúc nhất thế giới với tỷ lệ tội phạm thấp. Dù thế nào đi nữa, không bao giờ nên loại bỏ khả năng bị bắt cóc khi để trẻ ở ngoài một mình.

Với sự chuẩn bị và chăm sóc đầy đủ, trẻ sơ sinh ngủ trưa trong nhiệt độ đóng băng tiếp tục là một truyền thống lâu đời ở các vùng Bắc Âu và không có dấu hiệu mai một!

Cập nhật: 28/12/2023 Theo Vietnamnet/PNVN
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video