Gần đây, câu chuyện về đèn flash có thể gây mù cho trẻ sơ sinh đột nhiên quay trở lại trên các trang mạng xã hội. Mọi người cảnh báo nhau về một trường hợp cậu bé 3 tháng tuổi ở Trung Quốc được chẩn đoán mù vĩnh viễn một mắt, sau khi bố mẹ chụp ảnh cậu mà quên tắt đèn flash ở khoảng cách mắt chừng 25cm.
Câu chuyện xuất hiện trên một bài báo vào năm ngoái, viết rằng khi cặp vợ chồng đưa đứa bé đến bệnh viện, "tổn thương được chẩn đoán là vĩnh viễn và các bác sĩ nói phẫu thuật cũng không thể giúp được gì. Các tế bào bị hư hại thuộc hoàng điểm của cậu bé – một phần quan trọng của mắt, nơi ánh sáng được tập trung. Những tổn hại ở đây có thể dẫn đến mất thị lực".
Nhận định về thông tin này bác sĩ Lê Phước Huy, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt HITEC cho biết nếu báo cáo là có thực, khả năng cao cậu bé đã có tổn thương mắt từ trước đó chứ không phải ánh đèn flash là nguyên nhân khiến cậu bị mù.
Một cậu bé Trung Quốc bị mù sau khi chụp ảnh với đèn flash, liệu đó có phải là nguyên nhân?
Bác sĩ Huy khẳng định rằng có 3 nguồn sáng có thể gây bỏng và tổng thương hoàng điểm của mắt, dẫn đến giảm thị lực hoặc mất hoàn toàn thị lực là: ánh sáng từ thiết bị laser, ánh mặt trời trực tiếp, liên tục từ mặt trời hoặc trong thời điểm xảy ra nhật thực.
"Ngoài 3 trường hợp trên, ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử trong sinh hoạt hàng ngày đều nằm trong ngưỡng an toàn, khó có thể gây tổn thương tới hoàng điểm. Tôi không loại trừ một số thiết bị có ánh sáng cường độ cao sẽ có những tác động nhất định bởi về lý thuyết, điều này có thể xảy ra. Tuy nhiên, y văn chưa ghi nhận trường hợp nào như vậy", bác sĩ Huy cho biết.
Ông cũng khẳng định bản chất đèn flash không thể gây ra bỏng. Mặc dù võng mạc của trẻ sơ sinh chưa hoàn chỉnh nhưng cường độ ánh sáng từ đèn flash thực ra không cao, hơn nữa chúng chỉ trong một khoảnh khắc ngắn, không thể gây ra tổn thương nặng như vậy.
Đèn flash thực sự không quá sáng như bạn nghĩ.
Sự thật là các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng tiếp xúc với ánh đèn flash của máy ảnh, ngay từ giai đoạn sơ sinh, cũng không thể gây bất cứ một tổn thương vĩnh viễn nào cho mắt. Đèn flash của máy ảnh cũng không thực sự quá sáng như bạn nghĩ. Nó chỉ trở nên "quá sáng" bởi khung cảnh xung quanh quá tối.
Như lời bác sĩ Huy cho biết, thứ ánh sáng bà bạn phải lo ngại sẽ ảnh hưởng đến đôi mắt của trẻ sơ sinh là ánh sáng trực tiếp và liên tục từ mặt trời. Bởi vậy, nếu bạn muốn biết rõ sự tương quan, hãy thử đem một đèn flash ra giữa trời sáng và thử nghiệm. Bạn sẽ ngay lập tức nhận ra rằng ánh sáng từ đèn flash lúc này quá mờ nhạt và bị khuyếch tán đến nỗi nó không còn tác dụng.
Hơn nữa, khi gặp ánh sáng có cường độ lớn, mắt cũng có những cơ chế tự bảo vệ nó. Ví dụ như mí mắt sẽ có phản ứng nheo hoặc nhắm mắt lại, mi mắt khép hờ. Mống mắt sẽ điều tiết để đồng tử thu nhỏ, tiếp nhận đủ lượng ánh sáng cần thiết. Ngược lại, trong trường hợp cường độ sáng yếu, đồng tử sẽ mở lớn để tiếp nhận nhiều ánh sáng hơn.
Đèn laser mới là thứ mà các bậc cha mẹ cần cảnh giác.
Bây giờ bạn đã biết ánh sáng đèn flash khuyếch tán và không thực sự sáng khiến nó có thể gây hại cho trẻ. Nhưng ở phía ngược lại, hãy nói về một nguồn sáng nhân tạo nguy hiểm thực sự bởi chúng gần như rất ít khuyếch tán. Đó là những chiếc đèn laser. Đèn laser tạo ra một nguồn sáng tập trung cao và nó có thể gây bỏng.
Tuy nhiên, thậm chí các chuyên gia cũng nói rằng bạn không cần quá nghiêm khắc với những đứa trẻ lớn đang chơi đèn laser trong nhà. Nếu chúng chơi một cách có ý thức và không cố ý chiếu trực tiếp laser vào mắt người khác, ánh sáng laser quét qua tình cờ trong thời gian cực ngắn vẫn có thể an toàn.
Đèn laser có thể để lại những tổn hại trên hoàng điểm.
Mặc dù vậy, theo bác sĩ Huy, để an toàn, tốt nhất chúng ta nên hạn chế sử dụng các thiết bị ánh sáng tác động trực tiếp vào mắt trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh. Nghiên cứu cho thấy mặc dù đèn flash không thể gây mù mắt, nó dường như có liên quan đến một tình trạng nhẹ hơn là hiệu ứng mắt đỏ.
Ngoài ra thì trẻ em cũng không nên tiếp xúc với các thiết bị điện tử có màn hình như máy tính, điện thoại từ quá sớm. "Điều này gây mỏi mắt và các tật khúc xạ khác, phổ biến là cận thị" bác sĩ Huy nói. "Chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử sớm và dưới 30 phút/ngày, đồng thời tăng cường hoạt động thể chất".
Liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe mắt cho trẻ, bác sĩ Huy khuyến cáo cha mẹ phải chú ý vệ sinh mắt cho trẻ thường xuyên và để ý những bất thường của mắt như kém linh hoạt, lác, đồng tử có vấn đề. Nếu xuất hiện dấu hiệu lạ, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa sớm.