Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Di chỉ khảo cổ thời đại đồ đồng Sammallahdenmaki ở Lappi của Phần Lan là Di sản văn hóa thế giới năm 1999.
Sammallahdenmaki là tên gọi một khu di chỉ mộ từ thời đại đồ đồng tại thị xã Lappi, phía tây nam Phần Lan. Di chỉ mộ Sammallahdenmaki gồm tổng cộng 33 mộ đá, chủ yếu là đá granite đồi hẻo lánh, cách xa đường cái và cũng xa các làng lân cận như Tampere và Rauma... Tổng diện tích khu di chỉ lên tới 36 ha. Theo các nhà khảo cổ thì những ngôi mộ tại di chỉ này đã hơn 3000 tuổi, chúng được hình thành từ khoảng 1.500 đến 500 năm trước Công Nguyên.
Trước đây, khu vực này thuộc vịnh Bothnia nhưng ngày nay do quá trình đất lấn biển nên khu vực này chỉ cách biển khoảng 15 km. Đây là một trong những khu di chỉ khảo cổ quan trọng nhất trong vùng Scandinavia tại Phần Lan.
Sammallahdenmaki được tìm phát hiện rất tình cờ bởi những người dân bản xứ. Năm 1891, nhà khảo cổ Volter Hogman đã khai quật 4 hố tại khu di chỉ và phát hiện ra trong đó có nền sàn nhà thờ với 1 ụ đá hình chữ nhật không bình thường có chiều dài 19 mét, chiều rộng 16 mét, đỉnh bằng phẳng và 1 ụ đá dài Huilu được bao quanh bởi 1 bức tường cổ bằng đá. Cho đến nay cũng đã có 8 mộ đá được khai quật, qua nhiều nghiên cứu, các nhà khảo cổ cho rằng 6 trong số 8 mộ đá đó được hình thành từ thời đại đồ đồng và 2 mộ còn lại được hình thành đầu thời kỳ đồ sắt.
Các mộ đá trong khu di chỉ này là minh chứng tiêu biểu cho nền văn hóa Phương Tây thời kỳ đồ đồng. Vào thời kỳ đó, các ngôi mộ trong khu vực đều được xây dựng bằng đá granit, có thể đá này được lấy từ các núi trong vùng lân cận cũng có thể là được khai thác ngay tại địa phương. Các mộ đá Sammallahdenmaki rất khác biệt so với các mộ đá khác cùng thời kỳ bởi chúng có hai cấu trúc khác nhau. Một cấu trúc được xây dựng theo hình bầu dục, còn cấu trúc còn lại lại thon và dài. Qua tìm hiểu, các nhà khảo cổ và lịch sử cho rằng sự thay đổi này được thực hiện trong những giai đoạn lịch sử sau. Tất cả các mộ đá tại di chỉ khảo cổ thời đại đồ đồng Sammallahdenmaki ở Lappi đều không được đắp đất và tạo nên hoàn toàn từ đá.
Qua các tài liệu nghiên cứu, các nhà lịch sử cũng cho rằng mộ đá tại di chỉ khảo cổ thời đại đồ đồng Sammallahdenmaki ở Lappi có liên quan đến một tôn giáo đó là tôn giáo thờ mặt trời. Tôn giáo này lan đến vùng Lappi bắt nguồn từ vùng ven biển Phần Lan, Sacndinavia. Vùng này trước đây người nông dân trồng trọt để sinh sống, họ có tục thờ mặt trời, vị thần tối cao trong tôn giáo của họ.
Di chỉ khảo cổ thời đại đồ đồng Sammallahdenmaki ở Lappi được Unesco công nhận theo tiêu chí (iii) và tiêu chí (iv).
Tiêu chí (iii): Các mộ đá trong khu di chỉ khảo cổ thời đại đồ đồng Sammallahdenmaki ở Lappi có liên quan đến một tôn giáo đó là tôn giáo thờ thần mặt trời. Tôn giáo này được lây lan từ vùng ven biển Phần Lan.
Tiêu chí (iv): Di chỉ khảo cổ thời đại đồ đồng Sammallahdenmaki ở Lappi là một minh chứng đặc biệt về việc xây dựng các khu nghĩa trang từ thời kỳ đồ đồng. Bên cạnh đó việc xây dựng các ngôi mộ từ đá granit cũng thể được tính sáng tạo khi biết tận dụng nguồn vật liệu địa phương của cư dân thời đại đồ đồng.
Đến nay, khu vực di chỉ này vẫn là một điểm khảo cổ quan trọng được giới khảo cổ chú ý. Bởi nơi đây vẫn còn lưu giữ những bí ẩn về việc mai táng trong thời đại đồ đồng cần được khám phá.