Dị ứng thuốc: hiểm họa khó lường!

Lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc tùy tiện hoặc không đúng chỉ định có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Dị ứng thuốc là một trong những hậu quả đó.

Tại khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy ngày 8-12-2006 có đến sáu trường hợp dị ứng thuốc, trong đó có những ca bị hội chứng Stevens - Johnson nặng, rất thương tâm.

Một bệnh nhân bị dị ứng thuốc (Ảnh: Kim Sơn)

Chị T.N.T., 28 tuổi, ngụ Thốt Nốt, Cần Thơ, trong tình trạng bong tróc da toàn thân và đang bong tiếp da đầu. Chị đang có thai tám tuần, bị cảm sốt nên đến phòng mạch của một bác sĩ (BS) sản khoa, BS này chích cho chị một mũi và đưa thuốc uống ba lần trong ngày. Ngay sau đó chị bị tê, ngứa và nổi mẩn đỏ quanh môi. Hôm sau chị báo BS nhưng BS bảo không sao, vẫn chích và đưa thuốc uống hai lần trong ngày. Về nhà, chị nổi mẩn đỏ càng nhiều, phải vô BV huyện. Sau đó, chị bị bóng nước lan khắp người, gia đình xin chuyển lên BV Chợ Rẫy. Mấy ngày sau chị bị sẩy thai.

Ông T.V.D., 64 tuổi, ngụ Tân Biên, Tây Ninh, bị cảm, ra nhà thuốc tự mua kháng sinh uống, không nhớ thuốc gì, bị nổi mẩn đỏ toàn thân, vào BV Da liễu tỉnh điều trị không giảm, chuyển BV Chợ Rẫy từ 20-11-2006. Ông T.V.D. bị bong tróc da toàn thân...

Thuốc nào cũng có thể gây phản ứng

Đề cập đến những trường hợp bị dị ứng thuốc, TS BS Trần Quang Bính - trưởng khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy - cho biết phản ứng thuốc có rất nhiều dạng: nặng như choáng phản vệ có thể gây chết người, phản ứng trên da, niêm mạc, hệ hô hấp, tim mạch, gây rối loạn đông máu… Một số thuốc có ảnh hưởng trên thai kỳ như gây dị dạng thai.

Theo ông Trần Quang Bính, một số thuốc nhỏ mắt có chứa sulfamid cũng có thể gây hội chứng Stevens - Johnson, thậm chí có thể gây choáng phản vệ. Nói chung, tất cả các thuốc đều có khả năng gây ra phản ứng có hại. Đứng đầu bảng phải nói đến kháng sinh: phản ứng nặng choáng phản vệ, nhẹ là bong tróc da toàn thân. Một số thuốc như thuốc điều trị hansen (DDS), thuốc điều trị tiểu đường có gốc là sulfamic, thuốc điều trị đau khớp, thần kinh (thuốc kháng động kinh), một số thuốc điều trị bệnh gout... cũng có thể gây ra những hội chứng Stevens - Johnson, Lyell.

Một số thuốc ảnh hưởng trên hệ tim mạch như thuốc tê Novocain, Lydocain, vitamin C chích, vitamin B1 chích... có thể gây choáng phản vệ. Ngay cả Aspirin uống cũng có thể gây choáng phản vệ. Có thuốc dùng nhiều lần trước đó không việc gì nhưng sau lại bị phản ứng. Các thuốc như streptomycin, kanamycin, gentamcin, thuốc thuộc nhóm amino glycosid... uống hoặc chích lâu dài có thể ảnh hưởng trên thận (gây suy thận) và hệ thần kinh số 8 (gây rối loạn tiền đình, chóng mặt)...

Một số thuốc ảnh hưởng trên hệ tiêu hóa như thuốc kháng viêm steroid và kháng viêm không steroid gây loét dạ dày. Có người chỉ dùng một viên Aspirin phải cấp cứu vì thủng dạ dày. Một số thuốc có thể ảnh hưởng trên gan gây viêm gan do thuốc như thuốc điều trị lao. Có thuốc ảnh hưởng đến cơ quan tạo máu gây suy tủy không hồi phục như tifomycin, cloramphenicol… Thậm chí trong y văn thế giới đã ghi nhận trường hợp dùng thuốc nhỏ mắt có cloramphenicol cũng gây ra suy tủy dù tỉ lệ rất thấp - 1/100.000 đến 1/1.000.000.      

Cách nào để bệnh nhân biết mình bị phản ứng thuốc?

BS Trần Quang Bính cho biết dị ứng thuốc chia làm ba loại. Phản ứng tức thì, nặng nhất là phản ứng phản vệ mà biểu hiện lâm sàng thường gặp là sốc phản vệ - bệnh nhân hốt hoảng, lo lắng, vã mồ hôi, tay chân lạnh, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt, ngưng tim, nếu cấp cứu không kịp thời có thể tử vong trong vòng một vài phút. Nhẹ hơn thì có thể phản ứng trên da: ngứa, nổi mẩn đỏ da (có thể khu trú tại chỗ hoặc lan ra toàn thân). Phản ứng chậm hơn ở ngoài da sau vài giờ đến vài ngày như hội chứng Stevens - Johnson, hội chứng Lyell - bong da, tróc niêm mạc toàn thân, bệnh nhân cũng có thể tử vong sau đó vì nhiễm trùng da và nhiễm trùng huyết. Sau khi dùng thuốc, nếu bị các triệu chứng kể trên thì nên đến BV ngay và thông báo cho BS biết các thuốc mình đã sử dụng thật đầy đủ.

Có nhiều triệu chứng mà người bệnh không thể nào biết như uống thuốc xong bị rối loạn tiền đình, suy thận, mất tế bào máu...      

BS Trần Quang Bính nhấn mạnh: các biện pháp dân gian như uống nước đậu xanh để dã thuốc, uống nước chanh, lòng trắng trứng... đều chưa có cơ sở khoa học để chứng minh.     

Tóm lại, khi sử dụng thuốc cần phải tuân thủ đúng chỉ định. Khi đi khám, bệnh nhân nên thông báo với BS các thuốc mình đã bị dị ứng hay phản ứng trước đó (nếu biết). Không nên lạm dụng thuốc và đặc biệt không tự mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh và một số thuốc chuyên khoa đặc trị, kể cả thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh cũng phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

KIM SƠN 

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video