Loại protein đặc biệt được sản sinh trong quá trình giao phối của loài ếch Tungara đã mở ra một hướng chữa trị vết thương mới trong giới y học.
Một nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Strathclyde (Anh) đã phát hiện ra một loại bọt đặc biệt chứa các phần tử protein, tồn tại ổn định, lâu dài trong quá trình giao phối của loài ếch Tungara (tên khoa học là Engystomops pustulosus).
Loại protein này cũng rất an toàn với tế bào của người.
Theo Gizmag, khi loài ếch Tungara giao phối và đẻ trứng, chúng đồng thời tiết ra một loại protein bảo vệ trứng khỏi những kẻ săn mồi, vi khuẩn xung quanh.
Tiến sỹ Paul Hoskisson dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết, loại protein đặc biệt này gần như tương thích với tế bào của con người. Nhờ vậy, các nhà khoa học có thể ứng dụng protein này để điều trị vết thương, đặc biệt là bỏng.
Tiến hành thử nghiệm, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy protein trong bọt có khả năng hấp thụ thuốc và giải phóng chậm ra môi trường. Ngoài ra, loại protein này cũng rất an toàn với tế bào của người. Do đó, chúng có thể ứng dụng để điều chế thuốc chữa bỏng an toàn.
Cận cảnh loài ếch Tungara.
Cũng trong thử nghiệm, ếch Tungara có thể tạo bọt đều đặn từ 72 - 168 giờ liên tục. Thậm chí chúng cũng có thể giải phóng kháng sinh vancomycin trong 48 giờ, giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh Staphylococcus aureus.
Tuy vậy lượng bọt thu thập được từ ếch Tungara thực tế rất ít. Các nhà nghiên cứu đang tìm cách tái tạo lại loại bọt này trong phòng thí nghiệm. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng hy vọng sẽ sớm tổng hợp loại bọt này trở thành một loại thuốc kháng sinh đặc trị mới.