Từ máy bay chiến đấu cho đến máy bay do thám, dưới đây là 10 loại phi cơ có giá thành lớn nhất đang được Không quân và Hải quân Mỹ sử dụng.
10 mẫu "chim sắt" đắt đỏ khủng khiếp của Mỹ
F/A-18 Hornet – 94 triệu USD: Được đưa vào sử dụng từ những năm 1980, chiến đấu cơ này là loại phi cơ đầu tiên có thể tấn công các mục tiêu trên không và trên bộ. Nó đã được sử dụng trong Chiến tranh Vùng Vịnh, ngoài ra nó còn được nhiều nước mua về như Canada, Úc, Phần Lan, Kuwait, Malaysia, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.
EA-18G Growler – 102 triệu USD: Máy bay Growler thực tế là phiên bản trang bị vũ khí nhẹ của Hornet, nhưng được lắp ráp các thiết bị dành cho chiến tranh điện tử. Nó không những có thể tìm và cản trở các loại rađa máy bay, mà còn làm nhiễu loạn hệ thống liên lạc của đối phương.
V-22 Osprey – 118 triệu USD: Loại máy bay trực thăng cánh quạt nghiêng này có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng nhưng lại có thể bay nhanh như một máy bay cánh cố định, được sử dụng lần đầu tiên trong chiến đấu tại Iraq năm 2007. Quá trình sản xuất của Osprey đã gặp nhiều vấn đề về thiết kế và chế tạo, khi nó đã khiến ít nhất 30 binh sĩ Thủy quân Lục chiến và dân thường thiệt mạng trong giai đoạn phát triển. Dù vậy, nhờ tầm hoạt động và sự linh hoạt của V-22, Lực lượng Thủy quân Lục chiến đã đưa một phi đội máy bay này tới Afghanistan.
F-35 Lightning II – 122 triệu USD: Hợp đồng chế tạo máy bay F-35, phi cơ chiến đấu siêu thanh tàng hình mới nhất của hãng Lockheed Martin một thời là thỏa thuận đắt giá nhất của quân đội Mỹ. Mục tiêu của F-35 là nhằm thay thế các loại máy bay đã lỗi thời và nó nằm trong chương trình phát triển máy bay tiêm kích đa chức năng giữa Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, nó đã bị chỉ trích là khả năng chiến đấu kém và quá nặng, khiến chúng trở thành mục tiêu dễ bị bắn hạ. Hơn thế nữa, từ năm 2007 đến 2008, các gián điệp mạng đã xâm nhập vào hệ thống máy tính mật của chương trình phát triển, tuy nhiên hãng Lockheed Martin cho biết chương trình không bị xâm hại.
E-2D Advanced Hawkeye – 232 triệu USD: Được coi là bước tiến lớn nhất của công nghệ do thám quân sự, hệ thống rađa của Advanced Hawkeye đã gia tăng tầm theo dõi hoạt động của máy bay hơn 300% so với các máy bay khác. Một nhà phân tích đã từng nhận xét rằng, “nó có thể nhìn thấy hạt dẻ cười tách vỏ ở Iran”. Sau một quá trình thử nghiệm lâu dài, E-2D đã chính thức đưa vào hoạt động kể từ tháng 10 năm ngoái.
VH-71 Kestrel – 241 triệu USD: Dự án sản xuất loại máy bay công nghệ cao này nhằm thay thế phi đội trực thăng dành riêng cho tổng thống đang ngày một lạc hậu, nhưng nó đã vượt hơn 50% so với ngân sách ban đầu khi Tổng thống Barack Obama lên nhậm chức. Ban đầu, ông Obama đã ra quyết định hủy bỏ dự án do vượt quá ngân sách, tuy nhiên dự đã được Ủy ban Phân bố Ngân sách Thượng viện Mỹ đã đồng ý dành 485 triệu USD cho dự án này.
P-8A Poseidon - 290 triệu USD: Là một phiên bản Boeing 737 được thiết kế dành cho mục đích quân sự, P-8A được sử dụng để phòng chống các loại tàu ngầm và thu thập thông tin tình báo. Nó được trang bị thủy lôi, tên lửa, bom và các loại vũ khí khác. Máy bay đã được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2013.
C17A Globemaster III – 328 triệu USD: Loại phi cơ không vận này được dùng để đưa binh lính vào vùng chiến, sơ tán binh sĩ bị thương và thực hiện các nhiệm vụ thả dù. Hiện có 190 chiếc C17A đang được không quân Mỹ sử dụng. Máy bay có 4 động cơ cánh quạt, có thể thả 102 lính dù cùng lúc. Có mặt từ năm 1993, nó đã chở quân và hàng cứu trợ tới Afghanistan và Iraq trong những năm vừa qua.
F-22 Raptor – 350 triệu USD: Được lên ý tưởng từ thời Chiến tranh Lạnh nhằm cạnh tranh với một loại máy bay không bao giờ xuất hiện của Liên Xô, F-22 được hãng sản xuất Lockheed Martin gọi là phi cơ chiến đấu vẹn toàn nhất (và đắt nhất) thế giới. Nó có khả năng bắn rơi tên lửa hành trình của đối phương, bay quãng đường dài với tốc độ siêu thanh và tránh được gần như mọi loại rađa hiện nay.
B-2 Spirit – 2,4 tỉ USD: Máy bay ném bom B-2 đắt đến mức Quốc hội Mỹ đã phải cắt giảm số lượng phi cơ đặt mua từ 132 chiếc xuống chỉ còn 21 chiếc. B-2 là oanh tạc cơ rất khó phát hiện qua tín hiệu hồng ngoại, âm thanh, điện từ trường, rađa hay bằng mắt thường. Khả năng tàng hình của nó khiến việc đánh bom các mục tiêu địch gặp ít rủi ro hơn. Được đưa vào sử dụng từ năm 1993, B-2 đã được triển khai tới Iraq và Afghanistan.