Tại Việt Nam, ngay từ năm 1989 điện mặt trời đã được ứng dụng và phát triển một cách rộng rãi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển chỉ mới giới hạn ở khu vực nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh, còn tại các trung tâm tỉnh, thành phố lớn thì đối tượng sử dụng điện bằng mặt trời chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Điện mặt trời ứng dụng nhiều ở nông thôn...
Ông Trịnh Quang Dũng, Phân viện Vật lý Việt Nam cho biết, điện mặt trời gia đình bắt đầu được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam từ năm 1989. Cho đến nay, đã có hơn 3.000 hộ dân vùng sâu, vùng xa được điện khí hóa bằng hệ điện mặt trời gia đình, 8.500 hộ sử dụng điện mặt trời qua các trạm sạc ắc quy và hàng trăm làng, nhà văn hóa, trạm thu vệ tinh, viễn thông điện mặt trời ra đời…
Sử dụng pin mặt trời, một phương pháp tiết kiệm điện. (Ảnh: Nhandan) |
Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh, tại khu vực ngoại thành như Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, điện mặt trời cũng được ứng dụng khá nhiều như trạm điện mặt trời Nhà văn hóa Tam Thôn Hiệp tại Cần Giờ được xây dựng từ năm 1990 với công suất 30Wp pin mặt trời, Nhà văn hóa điện mặt trời xã Bình Mỹ huyện Củ Chi với tổng công suất 1.000Wp, trạm điện mặt trời Bệnh viện Hóc Môn với công suất 300Wp, trạm điện mặt trời đảo Thạnh An với công suất 500Wp... Đặc biệt là công trình điện mặt trời trên đảo Thiềng Liềng, xã Cán Gáo và dự án phát triển điện mặt trời phục vụ cho rừng phòng hộ huyện Cần Giờ. Trong đó, công trình điện mặt trời tại đảo Thiềng Liềng với công suất 3.000Wp đã cung cấp điện cho 50% số hộ dân sống trên đảo. Riêng dự án điện mặt trời rừng phòng hộ Cần Giờ có công suất 150Wp – 300Wp đã cung cấp điện mặt trời cho các hộ giữa rừng và các tiểu khu quản lý bảo vệ rừng, giúp các đơn vị này bảo đảm thông tin liên lạc 24/24 giờ.
Ngoài ra, còn nhiều dự án điện mặt trời lớn cho khu vực vùng núi đang được chuẩn bị xây dựng trong 10 năm tới, như dự án “điện mặt trời nối lưới” với tổng công suất 1.100kWp do Việt Nam và Tây Ban Nha thực hiện để điện khí hóa nông thôn; dự án “Nguồn điện mặt trời cho vùng dân tộc miền múi” do Ủy ban Dân tộc miền núi và Phần Lan thực hiện. Theo đó, lắp đặt 300 trung tâm sinh hoạt cộng đồng điện mặt trời ở khu vực miền núi bao gồm nhà văn hóa, trạm y tế, trường học và các nhà rông… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của các đồng bào dân tộc thiểu số.
... nhưng ít tại trung tâm tỉnh thành
Ông Trương Quang Vũ, Trưởng phòng thông tin Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh cho rằng, tuy những dạng năng lượng sản xuất từ gió, nước, sinh khối thực vật Biomass và ánh sáng mặt trời, trên thực tế “nguyên liệu thô” thường là có sẵn và miễn phí với khối lượng vô hạn, nhưng kinh phí đầu tư để khai thác sử dụng những nguyên liệu lại rất cao do công nghệ, thiết bị sản xuất đều phải nhập từ nước ngoài. Ước tính giá thành chi phí cho đầu tư khoảng 11USD/W điện từ nguồn năng lượng mới (mặt trời, gió) cao gấp 10 lần giá thành đầu tư khoảng hơn 1USD/W điện theo phương thức truyền thống (thủy điện hoặc nhiệt điện).
(Ảnh: Nhandan) |
Điều này tưởng chừng như nghịch lý, bởi lẽ phần lớn những dự án điện mặt trời đã và đang triển khai chủ yếu sử dụng nguồn vốn tài trợ từ nước ngoài hoặc bằng nguồn vốn ODA. Cụ thể như dự án nguồn điện mặt trời nối lưới sử dụng nguồn vốn ODA hay ngôi nhà duy nhất sử dụng điện mặt trời tại TP Hồ Chí Minh cũng được thực hiện nhờ sự tài trợ của Chính phủ Thụy Điển…
Có thể thấy, việc phát triển điện mặt trời là hoàn toàn có cơ sở thực hiện, nhất là khi Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng về nắng và gió lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, hiện các tổ chức, đơn vị và cá nhân có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nước ngoài hoặc từ phía nhà nước.
Vẫn biết, chi phí đầu tư cho ngành năng lượng mới có thể cao hơn các ngành năng lượng truyền thống nhưng theo Tiến sĩ Dương Hoài Nghĩa, nhà nước chỉ nên có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển ngành năng lượng mới lên quy mô công nghiệp.
Cụ thể như trợ giá hoặc miễn thuế cho các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, công trình tận thu nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; từng bước hạ giá thành đầu tư, xây dựng công trình bằng cách thay thế thiết bị ngoại nhập bằng thiết bị sản xuất trong nước.
Một kinh nghiệm tại những nước dẫn đầu thế giới về sử dụng năng lượng mới như Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức… là đánh thuế cao vào việc sử dụng năng lượng truyền thống và sử dụng nguồn tiền thuế thu được để hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, sử dụng năng lượng mới. Thiết nghĩ, đây là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm hạn chế nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong những năm tới.