Dấu tích mới được phát hiện thuộc về loài khủng long từng sống cách đây khoảng 80 triệu năm, cùng thời với loài khủng long bạo chúa đáng sợ Tyrannosaurus Rex T-Rex.
Sky News hôm 31/3 đưa tin, dấu tích về loài khủng long mới được biết tới, đáng sợ như khủng long bạo chúa T-Rex, được phát hiện ở Argentina. Loài khủng long này có tên khoa học là Llukalkan aliocranianus và được mệnh danh là "kẻ gieo rắc nỗi sợ".
Bức vẽ và hóa thạch về loài khủng long Llukalkan aliocranianus, được mệnh danh là "kẻ reo giắc nỗi sợ". (Ảnh: Jorge Blanco and Journal of Vertebrate Paleontology).
Loài này sống cách đây 80 triệu năm, cùng thời với khủng long bạo chúa T-Rex nhưng mỗi loài thống trị ở một khu vực. Khủng long bạo chúa vùng vẫy ở khu vực bán cầu bắc thì "kẻ gieo rắc nỗi sợ" lại tung hoành ở các lục địa phía nam.
Theo các nhà khảo cổ, Llukalkan aliocranianus dài tới 5 mét và có lực cắn cực mạnh. Vũ khí nguy hiểm của chúng là hàm răng sắc nhọn và móng vuốt lớn.
Tên gọi của loài này là sự kết hợp của tiếng Mapuche bản địa và tiếng Latin, trong đó Llukalkan là "kẻ gieo rắc nỗi sợ" và aliocranianus có nghĩa là "hộp sọ khác".
"Kẻ gieo rắc sợ hãi" có hộp sọ ngắn khác biệt với các loài cùng thời nhưng rất giống với phần đầu của loài bò sát ngày nay.
Các nhà khoa học cho rằng, loài khủng long này có khả năng nghe rất tốt, tương tự như cá sấu ngày nay, theo nghiên cứu trên Tạp chí Cổ sinh vật.
Hóa thạch của Llukalkan aliocranianus được tìm thấy tại một địa điểm nổi tiếng gần La Invernada, Argentina.
"Đây là một phát hiện đặc biệt quan trọng vì nó cho thấy sự đa dạng của họ khủng long abelisaurid", tiến sĩ Federico Gianechini, tác giả chính của nghiên cứu, nói.
Abelisaurid là một họ khủng long chân đốt dài trung bình từ 5 đến 9 mét, chủ yếu săn mồi ở vùng Patagonia và các khu vực khác ở tiểu lục địa phía nam Gondwana (ngày nay là châu Phi, Ấn Độ, Nam Cực, Úc và Nam Mỹ).
Bất chấp phát hiện mới, các nhà nghiên cứu tin rằng vẫn còn rất nhiều thứ chưa được khai quật.
"Phát hiện này cũng cho thấy vẫn còn nhiều loài thuộc họ Abelisaurid mà chúng ta vẫn chưa tìm ra. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm để hiểu rõ mối quan hệ của các loài này", tiến sĩ Gianechini nói.