Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cố tình bay vào “vùng cấm bay”?

Trên thế giới, có nhiều khu vực trên bầu trời mà bạn không được phép điều khiển máy bay hoặc các thiết bị bay không người lái vào, chủ yếu vì mục đích an ninh quân sự. Vậy trong trường hợp bạn cố tình bay vào những khu vực đó, bạn sẽ nhận được những cảnh báo hay hình thức xử lý như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Tưởng tượng bạn sở hữu một chiếc máy bay của riêng mình và cũng là người phi công điều khiển nó. Một sáng chủ nhật thảnh thơi, bạn quyết định lái máy bay dạo chơi trên bầu trời. Trời xanh, mây trắng, nắng vàng – đây sẽ là một ngày vô cùng thích hợp để cất cánh. Trong khi đang lượn quanh giữa những tầng mây, bạn bất chợt nghe thấy tiếng những chiếc máy bay quân sự đang theo đuôi mình. Tim bạn bắt đầu đập loạn xạ và bạn tự hỏi mình đã làm gì? Nhiều khả năng bạn đã xâm phạm vào vùng trời bị cấm, được gọi là "vùng cấm bay".

Vậy, vùng cấm bay là gì và điều gì sẽ xảy ra nếu bạn lái máy bay xâm phạm vào khu vực đó?

Vùng cấm bay là gì?

Vùng cấm bay (tiếng Anh: no-fly zone, viết tắt là NFZ) là một vùng lãnh thổ trên không mà các loại máy bay bị hạn chế bay vào. Các vùng cấm bay thường được thiết lập vì mục đích quân sự và thường được liên tục tuần tra bởi những chiếc máy bay chiến đấu và các loại máy bay quân sự khác. Chúng thường được thiết lập nhằm ngăn các loại máy bay dân sự bay vào các khu vực đang xảy ra chiến sự. Các vùng cấm bay cũng có thể được các nước sử dụng như một công cụ chính trị nhằm cảnh báo các quốc gia đối địch không cố tìm cách xâm nhập vào không phận của mình.


Vùng cấm bay là vùng lãnh thổ trên không mà các loại máy bay bị hạn chế bay vào.

Các vùng cấm bay cũng đã từng được thiết lập trong hai kỳ Thế vận hội – năm 2008 ở Trung Quốc và năm 2012 ở Vương quốc Anh – nhằm ngăn chặn các âm mưu làm gián đoạn sự kiện thể thao có quy mô toàn cầu này. Các quốc gia phát triển cũng thường hay thiết lập các vùng cấm bay xung quanh các cơ quan chính phủ trọng yếu, chẳng hạn như Nhà Trắng (Hoa Kỳ).

Mặc dù quy định và điều luật về vùng cấm bay có thể có sự khác biệt giữa các vùng lãnh thổ, tuy nhiên trong đa số các trường hợp xâm phạm nghiêm trọng, máy bay nếu cố tình bay vào vùng cấm bay có thể bị bắn hạ chỉ sau một lần cảnh báo.

Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi cố tình xâm phạm vùng cấm bay?

Nếu là một phi công, ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp (hoặc là bạn thực sự thiếu kiến thức), bạn không nên cố tình tìm cách bay vào những khu vực không phận bị cấm làm gì.

Trên thực tế, trước khi bạn xâm nhập vào vùng cấm bay, sẽ có hàng loạt các cảnh báo được gửi tới bạn trên nhiều tần số sóng radio khác nhau, yêu cầu bạn phải rút lui ngay. Nếu bạn vẫn cố tình phớt các cảnh báo qua sóng radio, một căn cứ không quân gần đó sẽ được thông báo về hành vi vi phạm của bạn.

Lúc này, các máy bay chiến đấu sẽ cất cánh và triển khai đánh chặn chiếc máy bay của bạn. Thông thường, sẽ có hai máy bay chiến đấu tiếp cận bạn từ phía sau. Một trong hai máy bay sẽ bay vòng xung quanh bạn và phi công sẽ thiết lập "liên lạc trực quan" với bạn. Là một người đã từng học làm phi công, bạn chắc chắn đã từng được huấn luyện về các giao thức đánh chặn chuyến bay và bạn chỉ có một lựa chọn duy nhất để ngăn những chiếc máy bay chiến đấu thiện chiến không sử dụng bất kì biện pháp nào có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn.

Để cứu máy bay và chính mạng sống của mình, bước đầu tiên của giao thức đánh chặn chuyến bay là bạn phải xác nhận rằng mình đã nhận thức được hành động đánh chặn, bằng cách rung nhẹ cánh máy bay của mình. Trong khi đó, phi công lái máy bay chiến đấu sẽ liên lạc với bạn qua sóng radio và yêu cầu bạn lắng nghe các yêu cầu của anh ta một cách nghiêm túc. Ở giai đoạn này, bạn cần phải thừa nhận sai lầm của mình khi đã xâm nhập vào vùng cấm bay. Nếu phi công lái máy bay chiến đấu cảm thấy tin tưởng và bị thuyết phục bởi lời nhận lỗi của bạn, anh ta sẽ hướng dẫn bạn bay ra khỏi vùng cấm bay và hạ cánh xuống một căn cứ không quân gần đó.

Để làm điều này, chiếc máy bay chiến đấu sẽ bay vượt lên trước bạn và quay đầu một cách chậm rãi để chuyển hướng bạn bay ra ngoài khu vực được bảo vệ. Nếu chiếc máy bay chiến đấu quay đầu đột ngột và bắn pháo sáng báo hiệu, tức là phi công đang cảnh cáo bạn vì đã không tuân theo chỉ dẫn của anh ta. Đây là một tín hiệu hết sức nghiêm trọng, bạn buộc phải tuân theo chỉ dẫn của phi công lái máy bay chiến đấu ngay lập tức. Máy bay chiến đấu sau đó sẽ đưa bạn đến một căn cứ không quân gần nhất, và bạn bị buộc phải thực hiện hạ cánh khẩn cấp xuống đây.

Sau khi đã hạ cánh, lực lượng quân đội rất có thể sẽ tạm giữ bạn cho tới khi đại diện chính quyền dân sự có mặt. Đại diện chính quyền dân sự sẽ thẩm vấn bạn về hành vi xâm phạm vùng cấm bay của bạn. Tuỳ thuộc vào việc bạn đưa ra được những lý do chính đáng đến mức nào mà bạn có thể sẽ bị buộc tội với một hoặc một số tội danh vi phạm. Đây chắc chắn sẽ là một sai lầm rất lớn nếu bạn có ý định theo đuổi nghề phi công hay công việc lái máy bay lâu dài.

Trừ phi họ bị thuyết phục rằng bạn có một tình huống thực sự khẩn cấp và rằng bạn không thể tránh khỏi việc bay vào khu vực cấm bay được, còn không, nếu bạn đã nhận được cảnh báo mà không tuân thủ, các nhà chức trách có thể sẽ "treo" bằng lái máy bay của bạn tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Tóm lại, các vùng cấm bay thường được thiết lập trong thời chiến nhằm bảo vệ dân thường và trong thời bình để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Với tư cách là một phi công, trong bất kể trường hợp nào, bạn cần phải nắm rất chắc các vùng cấm bay của từng quốc gia/ vùng lãnh thổ mà mình bay qua, đồng thời nghiêm túc tuân thủ các quy định của chính quyền sở tại. Nếu không, bạn có thể sẽ phải trả giá bằng cả sự nghiệp phi công hoặc thậm chí, bằng cả tính mạng của mình.

Cập nhật: 22/04/2019 Theo vnreview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video