Con người không thể tiến đến gần lỗ đen, nhưng các robot có thể thực hiện nhiệm vụ khó khăn này và gửi tín hiệu trở lại Trái Đất trước khi đi qua vùng chân trời sự kiện.
Theo Kevin Pimbblet, giảng viên vật lý ở Đại học Hull, Anh, nếu một hố đen ở sát Trái Đất, phần Trái Đất nằm gần lỗ đen nhất sẽ chịu tác dụng lực lớn hơn so với phần ở xa, đồng thời phần giữa bị ép vào trong. Tác động này tương tự như một người khổng lồ kéo giãn Trái Đất từ hai đầu cực. Trái Đất không còn dạng hình cầu nữa mà dài ra và hẹp lại. Khi kéo đến giới hạn, Trái Đất sẽ bị xé toạc ra. Hiện tượng này có tên là hiệu ứng mì ống (spaghettification).
Trái Đất bị hố đen hút vào. (Ảnh minh họa: Pics About Space).
Trong quá trình tiến về hố đen, Trái Đất dường như sẽ dừng lại ở một thời điểm và không bao giờ chạm tới hố đen. Bởi khi một vật thể đến gần hố đen, vận tốc của nó sẽ nhanh hơn trong khi thời gian trôi chậm lại. Người quan sát từ một vị trí khác trong vũ trụ sẽ thấy Trái Đất từ từ chuyển sang màu đỏ và mờ dần. Tuy nhiên, Trái Đất không thực sự ngừng di chuyển và cuối cùng sẽ vượt qua chân trời sự kiện, Pimbblet kết luận trong bài viết trên The Conversation hôm 15/2.
Hiện nay, các nhà khoa học chưa thể giải thích một cách chính xác những gì xảy ra bên dưới chân trời sự kiện. Ở đó, mọi vật đều không thể thoát ra, kể cả ánh sáng. Lượng bức xạ trong hố đen rất lớn, có thể dễ dàng nướng chín con người. Nhưng theo lý thuyết, con người có thể sống trong lỗ sâu sau khi rơi vào hố đen.
Thuyết tương đối rộng chỉ ra sự tồn tại của lỗ sâu, một cây cầu xuyên không gian - thời gian, với hố đen chính là miệng của nó. Vì vậy, nếu Trái Đất vượt qua hố đen an toàn, có thể con người sẽ đến một vũ trụ mới.