Điều hòa có thể thất thủ vì quá tải lưới điện

Nắng nóng cực đoan đang trở nên ngày càng phổ biến toàn cầu, đe dọa gây mất điện nhiều ngày khiến điều hòa nhiệt độ trở nên vô dụng.

Nhu cầu điều hòa nhiệt độ đang bùng nổ, dự kiến tăng gấp ba trên khắp thế giới vào năm 2050 khi nhiệt độ toàn cầu tăng vọt và thu nhập cao hơn. Vấn đề là không có điện, con người không thể sử dụng điều hòa nhiệt độ. Nhiều lưới điện đang bị dồn đến điểm tới hạn do thời tiết cực đoan trở nên phổ biến.

Ví dụ, khi bão Ida tràn qua bang Louisiana (Mỹ) với gió mạnh và ngập lụt nghiêm trọng vào tháng 8/2021, hơn một triệu người mất điện. Theo sau đó là đợt nắng nóng. Nhiệt độ tăng tới trên 32,2 độ C, đe dọa những cư dân không thể bật điều hòa do tình trạng mất điện kéo dài nhiều ngày.


Điều hòa nhiệt độ sử dụng nhiều điện hơn bất kỳ thiết bị nào trong gia đình. (Ảnh: AKP Photos).

Sự kết hợp giữa bão, nắng nóng và mất điện nhiều ngày trở thành cơn ác mộng, nhưng hoàn cảnh này sẽ trở nên ngày càng phổ biến khi con người tiếp tục khiến Trái Đất ấm lên, châm ngòi cho thời tiết cực đoan có sức tàn phá nặng nề. Nó cũng hé lộ sự thật không mấy dễ chịu về điều hòa, giải pháp bảo vệ con người trước nắng nóng.

Thời tiết chiếm 80% trong số vụ mất điện lớn ở Mỹ từ năm 2000 đến năm 2023 theo báo cáo từ Climate Central, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận. Tại Mỹ, lưới điện cũ kỹ được thiết kế cho thời tiết trong quá khứ thay vì tương lai, theo Michael Webber, giáo sư kỹ thuật cơ khí ở Đại học Texas, Austin.

Mối đe dọa chính là bão, có thể làm đứt đường dây truyền tải và đổ cột điện. Tuy nhiên, nắng nóng cũng tác động tới lưới điện. Nếu ngoài trời thực sự nóng bức, hệ thống hoạt động kém hiệu quả hơn. Lưới điện cũng có thể không chịu nổi áp lực từ nhu cầu khi mọi người bật điều hòa cùng lúc để đối phó nhiệt độ cao.

Số vụ mất điện lớn ở Mỹ (ảnh hưởng tới hơn 50.000 khách hàng và kéo dài ít nhất một giờ) tăng gấp đôi từ năm 2017 đến năm 2020, Brian Stone Jr., giáo sư chuyên về quy hoạch thiết kế môi trường đô thị ở Viện Công nghệ Georgia, cho biết. Theo ông, phần lớn số vụ tăng lên xảy ra trong những tháng mùa hè.

Nhu cầu làm mát tăng vọt trong đợt nắng nóng vào tháng 8/2020 ở California thôi thúc nhà vận hành lưới điện chính của bang phải cắt điện ở hàng trăm nghìn hộ gia đình trong đợt mất điện luân phiên lần đầu tiên trong 20 năm. Năm 2021, trong đợt nắng nóng thiêu đốt vùng tây bắc Thái Bình Dương, thiết bị điện bị quá tải, dẫn tới mất điện luân phiên ở hàng chục nghìn hộ gia đình khi nhiệt độ tăng trên 37,8 độ C.

Tháng 6/2024, khi nhiệt độ ở miền nam châu Âu cán mốc 40 độ C, nhiều nơi tại Albania, Bosnia, Croatia và Montenegro trải qua tình trạng mất điện nhiều giờ do nhu cầu điện tăng đột biến. Ngay cả mất điện trong thời gian ngắn cũng có thể rất nguy hiểm, theo Webber. Nắng nóng có thể ảnh hưởng tới cơ quan nội tạng quan trọng và gây kiệt sức, sốc nhiệt, thậm chí tử vong. Nếu mất điện khi trời lạnh, mọi người chỉ cần mặc thêm quần áo, đốt lửa và quây quần cạnh nhau. Nếu trời nóng, chỉ có cách duy nhất để làm mát là sử dụng điện. Sự kết hợp của nắng nóng và mất điện là sự kiện nguy hiểm nhất liên quan tới khí hậu, theo Stone.

Stone và một nhóm nhà khoa học khám phá tác động tiềm ẩn của nắng nóng kèm theo mất điện nhiều ngày do thời tiết cực đoan hoặc tấn công mạng. Tập trung vào Atlanta, Detroit và Phoenix, họ xem xét tình huống trong nhà người dân. Con số cực kỳ ảm đạm đối với Phoenix. Trong đợt nắng nóng kèm theo mất điện kéo dài 3 - 4 ngày, một nửa dân số thành phố (gần 800.000 người) phải điều trị các bệnh liên quan tới nắng trong bệnh viện. Hơn 13.000 người sẽ tử vong. Theo Stone, khí hậu của thành phố quá cực đoan và người dân chật vật tìm cách thích nghi. Việc sử dụng điều hòa có thể khiến người dân chịu đựng kém hơn bởi họ quá phụ thuộc vào hệ thống làm mát ở nhà và nơi làm việc.

Arizona Public Service, một trong những công ty năng lượng cung cấp điện ở Phoenix, cho biết họ đã lập kế hoạch ngăn chặn mất điện quy mô lớn và thường xuyên bảo trì lưới điện. Tuy khả năng mất điện nhiều ngày trong đợt nắng nóng ở Phoenix khá thấp, điều đó có thể xảy ra và trở nên phổ biến hơn khi khủng hoảng khí hậu trầm trọng hơn. Cắt giảm ô nhiễm khiến hành tinh ấm lên là giải pháp bảo vệ dài hạn tốt nhất để đối phó nắng nóng và thời tiết cực đoan, theo Stone.

Cập nhật: 08/07/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video