Đỉnh núi phủ tuyết nhân tạo Olympic nhìn từ vũ trụ

Vệ tinh Landsat 8 chụp ảnh những vùng tuyết nhân tạo trắng xóa nổi bật giữa khung cảnh khô cằn xung quanh.

Vệ tinh Landsat 8 hôm 29/1 chụp ảnh Khu Olympic Diên Khánh trên núi Xiaohaituo, phía tây bắc Bắc Kinh. Bức ảnh cho thấy sự tương phản giữa khu vực phủ tuyết nhân tạo phục vụ cho Olympic Mùa đông với những ngọn núi đá khô cằn xung quanh.


Ảnh chụp của vệ tinh Landsat 8 hôm 29/1 cho thấy tuyết nhân tạo sử dụng cho các môn thể thao tại Khu Olympic Diên Khánh, tây bắc Bắc Kinh. (Ảnh: Joshua Stevens/Landsat/NASA Earth Observatory).

Khu vực trên đang được sử dụng để tổ chức các môn thể thao trượt (xe trượt lòng máng, trượt băng nằm sấp, trượt băng nằm ngửa) và trượt tuyết đổ đèo, tất cả đều yêu cầu các đường trượt tuyết hay băng dài, đòi hỏi lượng tuyết lớn. Tuy nhiên, tháng 2 hàng năm, khu vực này thường chỉ nhận được lượng tuyết trung bình là 3,3 cm, theo tổ chức Earth Observatory thuộc NASA.

Kết quả, Olympic Mùa đông 2022 trở thành Olympic Mùa đông đầu tiên cần tới gần như 100% tuyết nhân tạo cho tất cả các môn thể thao trên tuyết, bao gồm trượt tuyết nhảy xa, trượt tuyết tự do và trượt tuyết băng đồng, theo báo cáo mới của nhóm nghiên cứu tại Đại học Loughborough, Anh. Việc sử dụng tuyết nhân tạo gây ra nhiều tranh luận và dẫn đến phản ứng dữ dội từ các nhà bảo vệ môi trường và một số vận động viên.

Sản xuất tuyết nhân tạo đòi hỏi lượng nước và năng lượng khổng lồ. Trong báo cáo mới, các nhà khoa học ước tính Olympic Mùa đông 2022 sử dụng ít nhất 1,2 triệu m3 tuyết nhân tạo, do đó sẽ cần khoảng 223 triệu lít nước. Để tạo ra nhiều tuyết như vậy, ban tổ chức đã lắp đặt 300 súng phun tuyết, hoạt động nhờ 130 máy phát với sự hỗ trợ của 8 tháp giải nhiệt nước và 3 trạm bơm. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố Olympic Mùa đông sử dụng năng lượng tái tạo 100%.

Tuyết nhân tạo cũng gây ra những vấn đề môi trường khác. Để tối đa hóa tuổi thọ của tuyết giả, nhà sản xuất thêm các hóa chất vào nước để ngăn tuyết tan. Những hóa chất này có thể gây hại lớn cho thực vật bị tuyết bao phủ và loại nước từ đây chảy ra sông sẽ tác động đến các khu vực lân cận. Tuyết nhân tạo tan chậm cũng có thể cản trở hành vi bình thường của động thực vật. Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn từ súng phun tuyết còn khiến động vật hoang dã địa phương chịu ảnh hưởng.

Thành phần của tuyết nhân tạo cũng gây ra một số khác biệt đối với vận động viên. Tuyết nhân tạo gồm xấp xỉ 30% băng và 70% không khí, trong khi tuyết tự nhiên là gần 10% băng và 90% không khí. Nhóm nghiên cứu cho biết, khác biệt này khiến các dốc tuyết nhân tạo chặt và cứng hơn so với dốc tuyết tự nhiên mà vận động viên thường tập luyện. Do đó, những người giàu kinh nghiệm vẫn có khả năng bị vấp ngã. Các điều kiện nhân tạo cũng có thể khiến chấn thương do tai nạn trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong vài ngày đầu tiên diễn ra Olympic Mùa đông 2022, một số sự cố đã xảy ra ở môn trượt tuyết đổ đèo. Tai nạn và chấn thương luôn là rủi ro lớn với những vận động viên trượt tuyết đổ đèo và hiện không vận động viên bị thương nào trực tiếp đổ lỗi cho bề mặt nhân tạo. Tuy nhiên, một số người hâm mộ và khán giả cho rằng có thể đây là một phần nguyên nhân. Chỉ sau khi mọi cuộc thi kết thúc, ban tổ chức mới có thể xác định chính xác ảnh hưởng của tuyết nhân tạo đến vận động viên.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, dù tuyết nhân tạo gây nhiều tranh cãi, biến đổi khí hậu có thể khiến loại tuyết này xuất hiện nhiều hơn ở Olympic Mùa đông trong tương lai. "Từ dãy Alps đến Pyrenees, dãy Rockies đến Andes, người hâm mộ của thể thao trên tuyết đang ghi nhận các mùa ngắn hơn, lượng tuyết rơi ít hơn và các sông băng tan chảy", họ cho biết.

Cập nhật: 14/02/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video