Cùng ngắm những cảnh quan đại kim tự tháp Giza, cầu Cổng Vàng... được chụp từ vệ tinh.
Vũ trụ thực sự rộng lớn nhưng bạn đã bao giờ thắc mắc những cảnh quan nào của nhân loại chúng ta có thể thấy được từ ngoài không gian kia? Chắn bạn có thể nhìn rõ sông Amazon khi bay cao vài km so với mực nước biển. Nhưng nếu nhìn từ Mặt trăng, bạn khó có thể phân biệt sự khác nhau giữa các lục địa.
Thậm chí, hành tinh của chúng ta trông chẳng khác gì một chấm mực xanh nếu đứng trên bề mặt Sao Hỏa quan sát. Tuy nhiên, những phi hành gia trên trạm không gian vũ trụ quốc tế (The International Space Station) đã cố gắng đem đến cho chúng ta những hình ảnh độc đáo về 5 cảnh quan nhân tạo có thể nhìn thấy từ vũ trụ.
Đại kim tự tháp Giza nằm trong khu phức hợp di tích cổ thuộc cao nguyên Giza, ngoại ô thủ phủ Cairo, Ai Cập. Mặc dù lớp vỏ bọc bằng đá vôi trắng đã bị bào mòn rất nhiều qua thời gian, cũng như các đền thờ bao quanh đã bị đổ nát nhưng kích thước của những công trình hùng vĩ này khiến du khách phải sửng sốt.
Công trình được xem như một trong số những thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Thậm chí hiện nay vẫn còn nhiều giả thuyết gây tranh cãi về phương pháp được những thợ xây cổ đại áp dụng.
Nếu vẫn chưa thể nhìn ra đại kim tự tháp Giza, bạn hãy tìm thật kĩ 3 chấm đen ở trung tâm bức ảnh.
Trên thực tế, có hơn 80 kim tự tháp ở Ai Cập được xây dựng trong suốt hơn 100 năm nhưng các kim tự tháp ở Giza là lớn nhất và được bảo quản tốt nhất nhờ vào tính chắc chắn của công trình.
Các nhà Ai Cập học nói chung đều cho rằng, đại kim tự tháp Giza được xây dựng khoảng năm 2560 TCN. Kim tự tháp này được cho là lăng mộ của Pharaon Kheops thuộc triều đại thứ 4 thời Ai Cập cổ đại.
Vị tể tướng của Kheops là Hemiunu được cho là kiến trúc sư của đại kim tự tháp này. Cho đến ngày nay, trong số Bảy kỳ quan thế giới cổ đại, Giza vẫn là kì quan “lớn tuổi” và duy nhất còn tồn tại một cách khá nguyên vẹn.
Là một trong những địa điểm tham quan hấp dẫn nhất nước Mỹ, cầu Cổng Vàng (Golden Gate) nổi tiếng thế giới với màu đỏ đặc trưng.
Không chỉ là biểu tượng của riêng San Francisco, cầu Cổng Vàng còn là biểu tượng của cả xứ cờ hoa, sánh ngang với Nữ Thần Tự Do, tòa nhà Empire State ở New York hay Hẻm Núi Lớn (Grand Canyon) ở Arizona. Chiếc cầu treo này nối liền nối liền Cổng Vàng, cửa ngõ vào của vịnh San Francisco và Thái Bình Dương.
Hình ảnh Cầu Cồng Vàng ở phía bên phải nổi bật hơn những cây cầu xung quanh.
Được hoàn thành vào năm 1937, với chiều dài 2.737m, rộng 27m và cao 227m, đây là cây cầu treo dài nhất trên thế giới thời điểm đó (danh hiệu này ngày nay thuộc về cầu Akashi Kaiko ở Nhật).
Hàng năm, có hàng triệu lượt khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây chiêm ngưỡng, thán phục trước những điều kỳ diệu mà con người có thể làm được.
Hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên nhưng theo các phi hành gia, những con đường quốc lộ rất dễ nhìn thấy từ trạm không gian, đặc biệt con đường băng qua sa mạc.
Nhìn từ vũ trụ, chúng trông như những đường thẳng kẻ trên bản đồ, kéo dài suốt từ địa điểm này đến địa điểm kia. Tuyến đường cao tốc luên lục địa ở Mỹ - US50 là một trong những số đó.
Hai bên đường chỉ là đồng cỏ, núi và những sa mạc trải dài giữa Missouri và California. Tuyến đường này được khai thác từ năm 1860 cắt chính giữa Nevada theo chiều Đông Tây.
Trên hàng chục km của con đường không có bất kỳ ngôi làng nào, đó là lý do tại sao nó được gọi là "con đường đơn độc nhất châu Mỹ".
Khi màn đêm buông xuống, ở trên cao, chúng ta chẳng thể thấy rõ gì ngoại trừ ánh đèn từ các thành phố lớn. Máy thám hiểm vũ trụ đã chụp được hàng trăm bức ảnh về các khu đô thị trên toàn thế giới.
Hình ảnh chụp Hà Nội lung linh buổi đêm.
Đó hầu hết là những dải ánh sáng đèn kéo dài, đan xen nhau lẫn lộn, chồng chéo. Dù đó là nước đang phát triển hay nước phát triển, khung cảnh thành phố về đem vẫn khoác trên mình tấm áo lấp lánh, đầy cuốn hút.
Sài Gòn cũng không kém phần tráng lệ.
Mỗi năm, hàng tấn rau và các loại trái cây sạch được xuất khẩu từ nhà kính khổng lồ ở thành phố Almeria, Tây Ban Nha để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân lục địa già.
Tổ hợp nhà kính rộng mênh mông, bao phủ vùng đồng bằng Dalías, mở rộng tới các thung lũng gần các ngọn đồi Alpujarra là một trong những khu vực hoang sơ nhất của Tây Ban Nha.
Xây dựng từ thập niên 1980, tổ hợp khổng lồ ở Almeria này rộng tới 26.000ha, mang lại khoản doanh thu hàng năm lên tới hơn một tỷ đôla cho địa phương. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế khổng lồ, tổ hợp nhà kính mái trắng còn có tác động tích cực không nhỏ đến môi trường.
Chúng phản chiếu ánh sáng Mặt trời trở lại khí quyển giúp hạ nhiệt độ khu vực. Trong khi nhiệt độ phần còn lại của Tây Ban Nha đã tăng lên hơn mức trung bình thế giới, nhiệt độ nơi đây giảm thường xuyên ở mức 0,3 độ C mỗi 10 năm (kể từ năm 1983).