Đổ bê tông ngăn núi lửa phun trào có khả thi không?

Đổ bê tông bịt miệng phun của núi lửa có thể cản trở sự thoát khí tự nhiên và làm tăng áp suất, dẫn đến một vụ phun trào bùng nổ.

Bê tông có nhiệt độ nóng chảy khoảng 1.500 độ C, trong khi dung nham đạt mức nhiệt khoảng 870 độ C. Về mặt lý thuyết, nếu đổ lượng bê tông đủ nhiều vào miệng phun, người ta có thể bịt được núi lửa. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa đây là giải pháp tốt, IFL Science hôm 23/11 đưa tin. Thậm chí, đây có thể là một ý tưởng tồi tệ nếu xét đến cách hoạt động của núi lửa.


Dung nham chảy ra từ núi lửa Cumbre Vieja trên đảo La Palma, Tây Ban Nha. (Ảnh: Marcos del Mazo).

Các vụ phun trào xảy ra khi áp suất bên dưới bề mặt Trái đất tích tụ. Khi magma mỏng và lỏng, các loại khí có thể dễ dàng thoát ra từ đó và magma thường sẽ chảy ra khỏi núi lửa một cách nhẹ nhàng. Dù việc magma chảy tới khu dân cư không phải là điều tốt, ít nhất nó cũng chảy chậm rãi.

Trong khi đó, những vụ phun trào núi lửa bùng nổ gây ra mối nguy hiểm lớn hơn nhiều. Nếu magma dày và đặc, các loại khí không thể thoát ra dễ dàng. Áp lực tích tụ dần cho đến khi khí thoát ra một cách mạnh mẽ và nổ tung, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS).

Các vụ phun trào núi lửa bùng nổ có thể nguy hiểm và gây chết người. Núi lửa có thể phun ra những luồng mạt vụn núi lửa nóng từ sườn hoặc đỉnh núi. Lượng vật chất này tràn xuống sườn núi, phá hủy gần như mọi thứ trên đường đi. Việc đổ bê tông vào miệng núi lửa có thể dẫn đến thảm họa này.

Nếu dùng một lượng lớn bê tông để bịt miệng phun, hành động này cũng đã ngăn chặn một phương pháp thoát khí tự nhiên và giảm nhẹ áp suất của núi lửa, từ đó có thể biến hiện tượng dung nham chảy chậm thành một vụ phun trào bùng nổ, hoặc khiến một ngọn núi lửa vốn có khả năng bùng nổ giờ sẽ nổ với áp suất còn lớn hơn.

Những ngọn núi lửa như St Helens phát nổ với áp suất khổng lồ, khiến lượng bê tông đổ thêm trở thành mối nguy hiểm với sức khỏe vì chúng sẽ dễ phân tán ra xung quanh. Bụi từ bê tông có thể dẫn đến các bệnh liên quan đến phổi, thậm chí ung thư.

Các chuyên gia từng có một cách sử dụng bê tông tốt hơn trong một vụ phun trào núi lửa Etna, đảo Sicily, Italy. Họ chuyển hướng dòng dung nham khỏi các khu dân cư bằng những khối bê tông. Tuy nhiên, USGS không chắc những khối này sẽ có tác dụng với một vụ nổ lớn hơn.

Cập nhật: 25/11/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video