Mỏ băng ở chỏm cực Bắc của Hoả tinh. Nó xuất hiện như một lớp ở bên phải của ảnh đen trắng |
Anten Marsis được triển khai thành công vào tháng 6/2005 sau một loạt trục trặc. Nó hoạt động bằng cách truyền các xung radio tới Hoả tinh rồi phân tích khoảng thời gian và cường độ xung dội trở lại.
Khi xâm nhập vào bề mặt, sóng radio dội trở lại khi gặp vùng ranh giới cận bề mặt giữa các vật liệu có tính chất điện khác nhau, chẳng hạn nước và đá. Tuy nhiên, ngoài một thử nghiệm mà tàu Apollo 17 tiến hành trên Mặt trăng vào năm 1972, kỹ thuật này chưa được kiểm tra ở những nơi khác.
William Johnson cùng đồng nghiệp thuộc Phòng thí nghiệm động cơ phản lực của NASA vừa công bố các số đo cận bề mặt của hai vùng tại Bắc bán cầu Hoả tinh - vùng đất thấp Chryse Planitia và chỏm cực Bắc. Theo họ, một cấu trúc hình tròn, với đường kính 250km nhằm ở độ sâu 1,5-2,5km bên dưới bề mặt Chryse Planitia, là một hố sâu do thiên thạch tạo ra. Hố này đã bị tro núi lửa hoặc đất chôn vùi cách đây nhiều tỷ năm. Độ mạnh của tín hiệu radar giảm rất ít khi đi qua hố. Hiện tượng này cho thấy phải có một lượng lớn băng ở đó.
Ngoài ra, Marsis cũng thăm dò chỏm cực Bắc và phát hiện băng nước gần như tinh khiết dày 1,8km ở bên dưới bề mặt. Những số đo trên là kết quả của ba lần Marsis thu thập dữ liệu trong những điều kiện đặc biệt. Các vùng nghiên cứu sắp tới của Marsis là Nam bán cầu, trong đó có chỏm cực Nam.
Minh Sơn (Theo NewScientist)