Đổ uranium vào thùng, người đàn ông không ngờ phải chịu 83 ngày đau đớn tột cùng

Hisashi Ouchi chết theo cách từ từ, đau đớn nhất mà khó có ai có thể hình dung ra sau sự cố hãi hùng tại nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản năm 1999.

Là một kỹ sư hạt nhân, Hisashi Ouchi giúp một đồng nghiệp đổ hàng lít uranium vào một thùng kim loại khổng lồ. Ouchi không biết rằng thứ đang chờ đợi mình là nỗi đau đến tột cùng, theo Daily Star.


Hisashi Ouchi là người nhiễm phóng xạ ở mức cao nhất trên thế giới.

Vài giây sau, một vụ nổ đi kèm với những tia sáng màu xanh bao trùm căn phòng tại nhà máy điện hạt nhân Tokaimura, khi hỗn hợp chất phóng xạ bị trộn lẫn đạt đến “điểm giới hạn”, phóng ra các tia bức xạ neutron và gamma.

Ouchi, 35 tuổi, bị nhiễm xạ nặng nề nhất trong sự cố. Trong căn phòng còn có đồng nghiệp Masato Shinohara và Yutaka Yokokawa, người ngồi làm việc cách đó 4 mét.


3 người đàn ông được đưa đến bệnh viện.

Không ai trong số 3 người được đào tạo kiến thức chuyên môn để pha chế hỗn hợp nguy hiểm như vậy. Và họ đã cho 16kg uranium vào, trong khi giới hạn tối đa là 2,4kg.

Những gì xảy ra vào lúc 10 giờ 35 phút sáng ngày 28.9.1999 là sự cố hạt nhân tồi tệ nhất ở Nhật Bản trong nhiều năm, bắt đầu 83 ngày “sống không bằng chết” của Ouchi.


Ouchi là người bị nhiễm phóng xạ nặng nhất trong số 3 người có mặt trong căn phòng.

Ngay sau vụ nổ, Ouchi rơi vào tình trạng nửa tỉnh, nửa mê, nôn mửa không ngừng và bị bỏng nặng.

Ouchi được cho là đã hấp thụ tới 17 Sievert bức xạ, mức cao nhất mà bất kỳ người sống nào từng tiếp xúc, trong khi mức 8 Sievert đã đủ để giết chết người.

Dù chịu nhiễm xạ ở mức cao như vậy, Ouchi vẫn không chết ngay lập tức. Khi được đưa đến Bệnh viện Đại học Tokyo, Ouchi gần như mất toàn bộ lớp da cũng như bạch cầu trong máu. Người đàn ông bị suy đa tạng và hệ thống miễn dịch bị phá hủy.


Nhà máy điện hạt nhân Tokaimura ở tỉnh Ibaraki, Nhật Bản.

Đội ngũ bác sĩ hàng đầu Nhật Bản và các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới đã ghép da, bơm thêm máu và các chất lỏng khác để duy trì sự sống cho Ouchi. Người đàn ông được điều trị trong một phòng xạ trị đặc biệt.

Ở thời điểm đó, mỗi ngày có 20 lít chất dịch “chảy ra từ cơ thể nạn nhân”, theo Daily Star.

Truyền thông địa phương cho biết, Ouchi còn chảy máu từ mắt, trong khi người vợ nói đó là “khóc ra máu”. Ouchi bị nhiễm xạ nặng đến mức tổn thương ADN.

Các bác sĩ tiêm tế bào gốc từ chị gái vào cơ thể Ouchi với hi vọng người đàn ông có thể phục hồi.

Thật khó để tưởng tượng cơn đau không ngừng mà Ouchi trải qua sau 7 ngày nằm viện. Mặc dù liên tục được tiêm thuốc giảm đau và được cho hôn mê, Ouchi luôn la hét vì đau đớn mỗi khi tỉnh lại.

“Tôi không thể chịu được nữa”, Ouchi nói sau 7 ngày điều trị. Ouchi cảm thấy tuyệt vọng và chỉ muốn được về nhà.

Ngày thứ 59, tim Ouchi ngừng đập 3 lần trong 49 phút. Theo yêu cầu của gia đình, các bác sĩ vẫn thực hiện hồi sức cấp cứu. Người đàn ông ngày càng bị tổn thương não và thận.

Trong những ngày cuối cùng, Ouchi gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các thiết bị hỗ trợ sự sống. Ouchi trút hơi thở cuối cùng sau 83 ngày, vào ngày 21/9/1999. Nguyên nhân tử vong là suy tạng nặng do nhiễm phóng xạ.

Trong số hai người còn lại, Masato Shinohara, 40 tuổi, trụ được đến ngày 27.4.2000 thì tử vong, 7 tháng sau khi nhiễm phóng xạ dẫn đến tổn thương phổi và thận.

Cấp trên là Yutaka Yokokawa, 54 tuổi, may mắn chỉ bị nhiễm phóng xạ ở mức nhẹ và ra viện sau 3 tháng.

Cập nhật: 23/07/2024 Theo Dân Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video