Đoàn thám hiểm Bắc Cực ăn thịt nhau để sống sót?

Nguyên nhân đoàn thám hiểm xấu số người Anh thế kỷ 19 rời bỏ tàu kẹt trong lớp băng dày ở Bắc Cực và buộc phải ăn thịt lẫn nhau để tồn tại vẫn là một bí ẩn.

Bí ẩn về đoàn thám hiểm Bắc Cực ăn thịt nhau để sống sót

Năm 1845, thuyền trưởng John Franklin, hiệp sĩ người Anh dẫn đầu đoàn thám hiểm Bắc Cực gồm 129 người rời nước Anh trên hai tàu HMS Erebus và Terror HMS. Về mặt lý thuyết, cuộc thám hiểm có nhiều yếu tố thuận lợi.


Ảnh siêu âm con tàu nằm dưới biển Bắc Cực thuộc Canada. (Ảnh: Park Canada)

Franklin là sĩ quan Hải quân Hoàng gia giàu kinh nghiệm. Ông từng tham gia ba chuyến thám hiểm Bắc Cực trước đó. Chuyến thám hiểm thứ tư diễn ra khi ông 59 tuổi, nhằm mục đích tìm ra tuyến đường biển từ khu vực Bắc Cực thuộc Canada tới phương Đông.

Hai tàu HMS Erebus và Terror HMS đều rất kiên cố, mang theo lượng lớn thực phẩm, đủ dùng trong 5-7 năm. Ngoài ra, mọi chuyến thám hiểm Bắc Cực trước đó đều diễn ra thuận lợi.

"Thám hiểm Bắc Cực trong thế kỷ 19 là nghề tương đối an toàn. Tỷ lệ tử vong chỉ là 1% (cứ 100 người tới Bắc Cực thì một người chết)," Simon Mays, tác giả nghiên cứu - nhà khảo cổ học của tổ chức Historic England, bình luận. Historic England là một tổ chức mà chính phủ Anh thành lập nhằm bảo tồn các tòa nhà, công trình và di tích lịch sử.

Tuy nhiên, Bắc Cực là một nơi xa xôi và hiểm trở, những nhà thám hiểm dày dặn kinh nghiệm nhất cũng có thể phải đầu hàng.

Kẹt trong băng

Năm đầu tiên của cuộc hành trình là năm Bắc Cực có diện tích băng giảm thấp. Đoàn thám hiểm 129 người vượt qua Vịnh Baffin gần đảo Greenland rồi di chuyển qua quần đảo Canada để tìm Hành lang Tây Bắc. Khi đại dương đóng băng, hai tàu mắc kẹt trong suốt mùa đông ở gần đảo King William.

"Tuy nhiên, đoàn đã tính toán rằng họ sẽ mắc kẹt trong vài, chứ không chỉ một, hai mùa đông. Vì thế họ chất rất nhiều thức ăn lên hai tàu," Mays nói.

Thật không may, trong những mùa hè sau đó, lượng băng trên biển khá lớn nên tàu vẫn tiếp tục mắc kẹt. Thủy thủ đoàn liên lạc với đất liền lần cuối hôm 25/4/1848. Họ thông báo 24 người đã chết trước khi đoàn bỏ tàu. Franklin cũng bỏ mạng ở đây, ngày 11/6/1847, theo phát hiện mới nhất.

Sau khi bỏ tàu với lượng thực phẩm dồi dào, đoàn thám hiểm định đi bộ 1.600 km tới trạm mậu dịch Vịnh Hudson, men theo con sông Back dồi dào cá.

Đói mòn

Bỏ tàu và đi theo hướng khác là quyết định sai lầm. Chỉ vài loài chim có thể sống ở vùng cực, còn câu cá là việc rất khó và đòi hỏi con người đục lớp băng dày để thả mồi xuống nước. Ngay cả thổ dân Inuit, những người sinh tồn ở vùng cực, cũng tránh xa khu vực này vì thực phẩm vô cùng khan hiếm.

"Không thể nuôi ngần đó người bằng cách đục lỗ trên băng (để câu cá)," Mays trao đổi với Livescience.

Không ai trong đoàn vượt qua 1/5 quãng đường tới Vịnh Hudson. Và trong nhiều năm sau đó, không ai biết việc gì đã xảy ra. Mãi tới năm 1854, một chuyên gia vẽ bản đồ người Canada mới nghe thổ dân Inuit kể rằng những người trong đoàn của Franklin đã ăn thịt lẫn nhau.


Tàu mắc kẹt trong băng và thủy thủ quyết định bỏ tàu. (Ảnh minh họa: Rich.edu)

Hơn 150 năm sau, các nhà khoa học phát hiện hài cốt của những người trong đoàn và xác hai tàu. Họ phát hiện nhiều vết cắt trên vô số xương người – dấu hiệu cho thấy ai đó đã róc thịt khỏi xương.

Mặc dù từ lâu giới khoa học đã biết hiện tượng thủy thủ ăn thịt đồng loại để tồn tại trong hoàn cảnh khắc nghiệt, nhưng phải mất nhiều năm, nghiên cứu mới cho thấy mức độ ăn thịt đồng loại của đoàn Franklin khủng khiếp hơn rất nhiều.

Trong nghiên cứu công bố hôm 18/6 trên tạp chí Osteoarchaeology (Nhân chủng học khảo cổ), Mays và Owen Beattie, một nhà nhân chủng học của Đại học Alberta (Canada), đánh giá 35 mẩu xương từ hai khu vực: Booth Point và Vịnh Erebus.

Họ thấy nhiều vết nứt và khoảng nhẵn trên xương – dấu hiệu cho thấy phần cuối của các mẩu xương bị luộc và cọ xát vào thành nồi. Hành động đó thường xảy ra trong công đoạn cuối của hành vi ăn thịt đồng loại, khi những người đói ăn hết thịt và hút tủy trong xương để lấy năng lượng và dinh dưỡng.

Bí ẩn không lời giải

Nhưng nghiên cứu của Mays vẫn chưa làm sáng tỏ bí ẩn: Tại sao nhiều thành viên trong đoàn chết trước khi họ bỏ tàu, và nguyên nhân họ quyết định rời tàu.

Một giả thuyết là nhiều người trong đoàn mắc bệnh thiếu vitamin C (với những triệu chứng như máu chảy từ nướu răng, vết thương chậm lành, nhiều vết thâm tím rộng dưới da). Hoặc một số người chết vì ngộ độc chì khiến những người còn lại hoảng sợ. Nghiên cứu những mẫu răng sẽ làm rõ những giả thuyết này, Mays nói.

Nghiên cứu của Mays phù hợp với lời kể của những thổ dân Inuit. Theo đó những mẩu xương người chất thành đống, như thể ai đó đập vỡ xương để hút tủy, Anne Keenleyside, một nhà khảo sinh học của Đại học Trent tại Canada, lập luận. Anne không tham gia nghiên cứu của Mays.

Mặc dù phát hiện này gây sốc nhưng nó "nói rõ trong hoàn cảnh tuyệt vọng, những nhà thám hiểm làm những gì," Keenleyside đánh giá. "Hay tưởng tượng ở trong hoàn cảnh đó, anh sẽ làm gì?"

Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video