Các nhà cổ sinh vật học Anh cho biết họ đã làm việc với các đồng nghiệp quốc tế để xác định các mẫu hóa thạch của một loài bò sát bay đã tuyệt chủng mới được phát hiện.
Theo UPI, các chuyên gia của Trường đại học Southampton (Anh) đã giúp kiểm tra các mẫu xương hóa thạch 68 triệu năm tuổi được tìm thấy tại Romania và xác định đây thuộc về loài mới, được đặt tên là Eurazhdarcho langendorfensis.
Hình dáng loài bò sát bay mới được phát hiện
Theo nhà cổ sinh vật học Darren Nash thuộc Trường đại học Southampton, Eurazhdarcho thuộc về nhóm thằn lằn bay có tên azhdarchids. Eurazhdarcho có cổ dài, mỏ dài với đôi cánh mạnh khỏe giúp nó dễ dàng tăng tốc.
Cấu trúc xương cánh và xương chi sau của nó cho thấy nó có thể gấp đôi cánh và đi trên cả bốn chi khi cần.
UPI dẫn lời các nhà khoa học nói rằng, đây là lần đầu tiên ở châu Âu có một bộ xương hóa thạch của thằn lằn bay azhdarchids được tìm thấy còn khá đầy đủ như vậy.
Cũng theo chuyên gia Nash, loài Eurazhdarcho phát hiện tại Romania có sải cánh khoảng 3 mét và cũng giống như những phát hiện trước thì các loài động vật cổ được phát hiện tại Romania thường có kích cỡ nhỏ hơn một cách bất thường so với những loài tương tự sống ở các khu vực khác.
Được biết, khám phá trên được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Trường đại học Southampton cùng với các đồng nghiệp từ Hội Bảo tàng Transylvanian ở Romania và Bảo tàng Quốc gia tại Rio de Janiero, Brazil, và được đăng tên tạp chí khoa học PLoS One.