Đôi điều thú vị về bút chì và cục tẩy

Thứ đồ dùng không thể thiếu trong thời gian đi học.

Trong thời đại công nghệ hiện đại, chúng ta có rất nhiều thiết bị điện tử có thể dùng để ghi chép. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta bỏ qa những vật dụng cơ bản cần thiết mà trước kia vẫn sử dụng. Những chiếc bút, quyển sổ… cũng vẫn được tiêu thụ và sử dụng. Đặc biệt trong đó là bút chì. Hàng năm vẫn có hàng tỉ chiếc bút chì được tiêu thụ. Nó không chỉ là một vật để viết mà còn dùng để vẽ. Và thực tế là người ta ưa chuộng sử dụng bút chì nhất trong các loại bút bởi những thứ viết ra, vẽ ra có thể dễ dàng xóa, chỉnh sửa được. Thứ công cụ dùng để xóa vết bút chì được gọi là viên tẩy. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tẩy và công năng “thần kì” của nó.

Từ chiếc bút chì

Nói đến tẩy có lẽ phải bắt đầu từ động lực để phát minh ra nó, đó là bút chì. Có rất nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn tin vào một điều là bút chì được làm từ chì. Thật may mắn là hoàn toàn không phải như thế nên có lỡ nuốt phải một mẩu bút chì thì bạn cũng sẽ không phải lo về việc nhiễm độc chì (cho dù vậy điều này cũng không nên xảy ra). Chính xác thì bút chì thường có lõi bằng chất liệu than chì (graphite) và các hợp chất của nó, Thời cổ La Mã, các học giả tôn giáo chuyên nghiệp đã sử dụng thanh kim loại gọi là stylus để viết trên giấy làm từ vỏ cây papyrus.

Than chì graphite được lịch sử ghi nhận sử dụng từ năm 1564. Ruột bút chì trong sản xuất công nghiệp thường được tạo ra bằng hỗn hợp than chì và đất sét mịn trộn với nước để tạo các sợi ruột chì dài. Các sợi ruột chì này được nhúng vào dầu hoặc sáp và đổ vào nửa phần vỏ bút có tạo rãnh. Sau đó, nửa phần vỏ bút còn lại được gắn lên trên và ép lại. Sau đó, cây chì dài này được sơn lại và cắt ra thành từng đoạn bút chì để bán. Hệ thống phân loại độ cứng bút chì Châu Âu hiện đại được trải từ 9H (cứng và nhạt nhất) đến 9B (mềm và đậm nhất).

Vào thập niên 1970, NASA đã chi hàng triệu đô la Mỹ để nghiên cứu một loại bút áp lực để các phi hành gia có thể viết được trong tình trạng không trọng lực. Trong khi đó, người Liên Xô sử dụng một phương pháp đơn giản hơn để đạt được mục đích là viết trong tình trạng không trọng lực: sử dụng bút chì truyền thống.

Cho đến cục tẩy

Và do nhu cầu, nửa thế kỉ sau khi bút chì được sử dụng rộng rãi, người ta bắt đầu nghiên cứu để cho ra sản phẩm đồng hành cùng nó là tẩy. Xuất phát từ nhu cầu muốn sửa chữa đường nét từ bút chì viết ra, người ta bắt đầu nghĩ đến một vật có khả năng làm được điều đó. Cục tẩy đầu tiên được sử dụng từ hàng trăm năm trước, khi người ta viết bằng thứ bút chì cứng làm bằng chì và thiếc - chính là ruột bánh mì. Vào ngày 15 tháng tư năm 1770, Joseph Priestley dùng kẹo cao su thực vật để loại bỏ các vết bút chì, từ đó người ta bắt đầu sáng chế ra tẩy gần giống với hiện đại. Ý tưởng gắn liền bút chì và tẩy là của Hyman L. Lipman ở Philadelphia. Điều này đã mang lại sự giàu có cho ông ta nhờ bán bản quyền phát minh vào năm 1858 với giá 100.000 đô la. Tuy nhiên cuối cùng thì bằng sáng chế này bị vô hiệu hóa bởi nó đơn giản chỉ là sự kết hợp của hai sáng chế chứ không phải là một phát minh hoàn toàn mới. Ngày nay, những cục tẩy hiện đại làm bằng hỗn hợp dầu ăn, đá bọt và sulfur - tất cả được kết dính nhờ cao su.

Việc sử dụng tẩy rất đơn giản, khi nhận thấy cần sửa chữa gì, người ta chỉ việc mài tẩy vào đoạn giấy đó, chà xát nó thật mạnh. Và như chúng ta thấy cục tẩy sẽ dần rã ra. Chính vì sự dễ dàng này nên tẩy rất nhanh chóng trở nên phổ biến. Một ví dụ minh chứng cho việc viên tẩy có tính đa năng và công dụng thương mại cao đó là vào năm 1955, khi Walt Disney gọi điện cho William Diener về việc các cây bút chì không được ưa chuộng lắm trong các cửa hàng lưu niệm tại Disneyland. Trong cuộc điện thoại đó, William Diener – với tư cách là một nhà công nghiệp chuyên sản xuất tẩy đã thuyết phục Disney đặt các viên tẩy dưới hình dạng các nhân vật Disney để bán kèm. Và sau đó việc kinh doanh tại Disneyland được cải thiện rất nhiều.

Một số loại tẩy

Có rất nhiều các loại tẩy khác nhau. Loại tẩy đi kèm cùng cây bút chì còn được gọi là tẩy cắm, thường có màu hồng và chứa cao su cứng nên đôi khi sử dụng loại này sẽ gây xước giấy và phải dùng lực mạnh để chà. Tẩy bằng nhựa vinyl trắng dễ dàng tẩy hơn nhiều so với tẩy màu hồng nên sau này được ưa chuộng hơn. Hiện tại hầu như những loại bút chì mới sản xuất ra không gắn kèm cục tẩy hồng ở trên nữa. Một loại tẩy nữa được gọi là tẩy nhào, nó mềm và bạn có thể nhào trong tay. Nó hấp thụ được các hạt than chì mà không gây ma sát nhiều cũng như không để lại các vết ố, vụn… Tẩy nghệ thuật là tên của một loại tẩy mềm được làm từ cao su thô. Ưu điểm của nó là không làm hỏng giấy và tẩy được trên diện tích rộng nhưng nhược điểm đó lại để lại quá nhiều vun bám. Màu của loại tẩy này thường là nâu, đôi khi là màu xanh.

Ngoài ra do sự phát triển hiện đại, người ta còn chế tạo ra được tẩy điện, tẩy điện là một cái bút có nút bấm. Khi bấm nút, đầu có tẩy sẽ được ma sát với một tốc độ đều và thích hợp, giúp tẩy đi được vết bẩn dễ dàng và gây ít xây xước cho giấy, nó giúp tiết kiệm được thời gian.

Kết

Từ khi được phát minh ra cho đến tận bây giờ. Cục tẩy đã luôn được sử dụng thường xuyên và đối với trẻ em khi đi học hoặc những kiến trúc sư, họa sĩ đây là một đồ dùng không thể thiếu trong công việc hàng ngày. Trong tương lai gần, có lẽ rằng cục tẩy cũng vẫn sẽ giữ được vị trí tối quan trọng của nó và là người bạn song hành của những chiếc bút chì.

Theo Genk/Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video