“Đội quân ma” của Thiên hoàng Nhật Bản ở nước ngoài

Một trong những câu chuyện kỳ lạ nhất về Chiến tranh thế giới II đó là một toán lính Nhật đã không tự sát mà sống trốn tránh trong một vùng đất xa lạ để tự bào chữa cho họ thoát khỏi nỗi sỉ nhục bị thất bại suốt một thời gian dài kể cả sau khi kết thúc chiến tranh. Họ biến thành một thứ gọi là “những bóng ma sống”.

Họ sống trong những cơn ác mộng bởi chiến tranh và chịu sự phán xét của tòa án lương tâm cùng nỗi giày vò thống khổ.

“Bi kịch” Hiroo Onoda

Một trong những người lính nổi tiếng nhất trong “đội quân ma” là một sĩ quan tình báo thuộc quân đội Thiên hoàng Nhật Bản có tên là Hiroo Onoda. Onoda bắt đầu làm việc tại lực lượng lính bộ binh của quân đội Thiên Hoàng, được huấn luyện để trở thành một sĩ quan tình báo.

Một thời gian ngắn sau khi phát xít Nhật xâm lược Philippines vào ngày 7-12-1941, Onoda lên tàu sang xứ lạ, và khoảng năm 1944, ông phát hiện mình đang ở Lubang, một hòn đảo cách thủ đô Manila chừng 90 hải lý về phía tây nam. Sau đó các lực lượng quân Đồng minh được dẫn đầu bởi Tướng Mỹ-Douglas MacArthur, đã tiến hành một trận chiến khốc liệt nhằm đẩy bật quân Nhật ra khỏi Philippines và đến tháng 3-1945, họ đã giải phóng Manila.


Lính thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo Saipan trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II.

Các lính Nhật khi đó chỉ đơn giản là bị phân tán và mất phương hướng, nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục ở Lubang trong hình thái chiến tranh du kích nhiều năm sau đó. Hiroo Onoda nằm trong số họ và những người lính Nhật này thường xuyên ẩn hiện để tiến hành các cuộc tấn công chớp nhoáng đối phương. Sau đó những người đồng đội này lớp thì đầu hàng, lớp bị giết trong các trận đánh, chỉ còn Onoda may mắn sống sót, nhưng cuộc chiến trong ông chỉ thực sự chấm dứt mãi 29 năm sau đó.

Trong khi cả thế giới dõi theo việc đầu hàng của người Nhật thì Onoda không tin nó là sự thật, khẳng định rằng tất cả chỉ là đòn tuyên truyền. Trong mắt Onoda, chiến tranh đang tiếp diễn và ông phải phục tùng mệnh lệnh. Onoda sống một mình trong những cánh rừng già của Philippines. Ông hay đột nhập các nông trang để lấy cắp thực phẩm hoặc gia súc, và sẵn sàng giết bất kỳ ai có ý đồ ngăn cản. Vài nạn nhân đã bị thiệt mạng trong các vụ này.

Onoda đã cố gắng hết sức để giữ gìn vóc dáng cao lớn, cũng như cẩn thận lau chùi vũ khí bóng nhoáng, vốn là niềm tự hào của người lính.

Onoda từng phát biểu: “Mỗi người lính Nhật luôn sẵn sàng quyết tử, nhưng một sĩ quan tình báo như tôi sẽ không thể chết và phải tiến hành chiến tranh du kích đến cùng. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì quả là một nỗi ô nhục”.

Những năm sau đó chính quyền Philippines đã cố gắng chiêu dụ Hiroo Onada ra khỏi rừng nhưng đều không thành công. Gia đình và bạn bè của Onada thậm chí đã đến đảo Lubang gọi loa và phát tờ rơi nói rằng ông sẽ an toàn khi ra khỏi rừng, nhưng Onada không tin. Ngày 20-2-1974, Onado tình cờ chạm trán một nhà thám hiểm rừng già kiêm thợ săn Yeti người Nhật Bản, tên là Norio Suzuki. Người này đặt mục tiêu sẽ tìm ra Onada và rất sửng sốt khi nhìn thấy viên sĩ quan trong rừng.

Không lâu sau đó, một thông điệp đã được gửi tới Hiroo Onoda, viết bởi Thiếu tá Yoshimi Taniguchi, người từng là chỉ huy của Onoda trong thời chiến, giờ đây ông đang là một thương nhân. Ông Taniguchi sẵn lòng quay trở lại đảo Lubang vào năm 1974. Nơi đây ông đã đoàn tụ với người thuộc cấp 52 tuổi, khi đó Onoda dáng người mệt mỏi, quần áo cáu bẩn nhưng vẫn đeo súng trường và thanh kiếm.

Ông Taniguchi đã giải thích cho người lính của mình rằng chiến tranh đã lùi xa 3 thập niên vị thiếu tá cũng đọc tuyên bố chính thức đầu hàng và “hạ lệnh” cho Onoda ngừng nhiệm vụ. Onoda được đưa tới thủ đô Manila, “đầu hàng” Tổng thống Philippines-Ferdinand Marcos và nhận được sự ân xá trở về Nhật Bản.

Tuy nhiên, Hiroo Onoda chưa bao giờ thực sự hòa nhập với cuộc sống ở quê nhà hay trong xã hội hiện đại. Ông đã đi tới một vùng xa xôi hẻo lánh mãi tận Brazil để bắt đầu dựng một nông trang dành cho những người Nhật di cư sống một cuộc đời bình dị, chăn nuôi gia súc ở Terenos, Mato Grosso do Sul.

Onoda lấy vợ và quay lại Nhật Bản vào năm 1984, mở một ngôi trường dạy về cách sống còn trong thế giới hoang dã. Ông đã sống những ngày tháng cuối đời ở Nhật trước khi qua đời vì những biến chứng từ căn bệnh viêm phổi vào tháng Giêng năm 2014, thọ 91 tuổi.

“Người rừng” Shoichi Yokoi

Trước Thế chiế 2, Shoichi Yokoi là thợ may, năm 1941 thì phục vụ quân ngũ ở Mãn Châu, sau đó lên tàu sang những cánh rừng già nhiều muỗi ở đảo Guam vào năm 1944. Khoảng tháng 7-1944, Mỹ tiến hành một cuộc phản công dữ dội chống lại sự đồn trú của quân Nhật trên đảo Guam. Cuối cùng quân Nhật bị đẩy văng khỏi Guam, Yokoi và những người lính Nhật khác bị phân tán trong các vạt rừng già bạt ngàn ở Guam. Họ tự chống chọi để tồn tại.

Trong vòng vài năm, số lính Nhật tàn dư cứ rơi rụng dần, nhưng Yokoi sống sót nhờ vào sự tạp ăn của mình. Rắn, ếch, chuột, côn trùng, kỳ đà, sâu hay mọi thứ đều biến thành thực đơn của Yokoi. Ông cũng nghĩ ra nhiều cách bẫy thú hoang rất tài tình để lấy thịt dự phòng. Yokoi biết cách xóa dấu vết của mình để tránh bị phát hiện, cũng như tự học cách ngụy trang, đào hang để ngụ cư, và sống hòa mình vào đại ngàn hoang dã.

Khoảng năm 1964, các đồng đội của Yokoi đều chết vì lũ lụt, đói kém, ăn trúng động vật độc hay bệnh tật, nhưng Yokoi vẫn kiên trì một mình đấu tranh để sinh tồn. Trái với Hiroo Onoda, Yokoi luôn tin rằng ông sẽ được đồng đội cứu mình và ông cố gắng sống để được gặp mặt đồng đội. Yokoi ngày càng trở nên tiều tụy, tay cầm khẩu súng trường gỉ sét. Yokoi trở thành “bóng ma” trong rừng và khi nghe tin chiến tranh kết thúc, ông lại cố gắng lủi sâu hơn vào rừng già bởi lo sợ sẽ bị bắt giữ và bị hành quyết.

Sau 28 năm sống chui lủi, vào năm 1972, Shoichi Yokoi đã bị phát hiện bởi một toán thợ săn. Lo sợ bị đám người này giết, Yokoi đã lập mưu lấy cắp các khẩu súng trường nhưng sau đó toán thợ săn vẫn quật ngã “người rừng” và mang ông ra thế giới văn minh. Bị bắt là một nỗi sỉ nhục của người lính vì thế Yokoi đã phủ phục xuống đất và cầu xin đám thợ săn hãy giết mình ngay khi đó.

Cũng như Hiroo Onoda, việc Shoichi Yokoi quay về Nhật đã tạo nên một cơn sốt trong giới truyền thông. Nhưng ngay cả khi lập gia đình, Yokoi vẫn nhận ra rằng ông không thể tự điều chỉnh hành vi trong thế giới văn minh. Yokoi lại lên đường quay trở lại Guam, sống và qua đời ở đó vào năm 1997, hưởng thọ 82 tuổi.

Một cuốn sách viết về Shoichi Yokoi mang tiêu đề “Cuộc chiến riêng tư và cuộc sống của Yokoi ở đảo Guam 1944-1972, đã được xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 2009, và một bảo tàng ở Guam còn có không gian triển lãm về ông.

“Con cáo” Sakae Oba

Oba từng là giáo viên tại một trường công và gia nhập quân đội Thiên hoàng năm 1934. Khi Thế chiến 2 bùng nổ, Oba qua Trung Quốc và sau đó chuyển sang đảo Saipan (Mỹ). Tháng 2-1944, Oba và 600 lính Nhật khác bị mắc kẹt ở đảo Saipan sau khi chiếc tàu Sakito Maru của họ bị tấn công và bị đắm bởi ngư lôi của Mỹ.


“Con cáo” Sakae Oba chính thức đầu hàng các lực lượng Mỹ.

Họ tái tập hợp lực lượng trên đảo Saipan và Oba nắm vai trò phụ trách một trạm y tế cùng 225 quân nhân khác. Không lâu sau đó, khi thủy quân lục chiến Mỹ tấn công toàn diện các bãi biển của người Nhật, cuộc chiến dữ dội đã buộc Oba cùng những người đồng đội phải trốn lên núi Tapochau.

Không có nguồn cung, thiếu thốn thức ăn và thuốc men, đạn dược, các lực lượng Nhật ở đảo Saipan thề sẽ mở cuộc phản công hơn là chịu chết. Họ tập hợp lại quân số xấp xỉ 4.000 người để thực hiện một cuộc tấn công quyết tử vào ngày 7-6-1944.

Một cuộc chiến khiến người Mỹ phát hoảng khi mà những người lính Nhật dù súng không có đạn vẫn lăn xả vào kẻ thù, họ dùng lưỡi lê đánh giáp lá cà hay dùng đao, kiếm hay bất kỳ thứ gì khác mà họ có được. Khi cuộc chiến kết thúc, gần như tất cả lính Nhật đã tử trận. Nhưng trên thực tế, một số người đã sống sót, bao gồm cả Sakae Oba; ông đã chỉ huy một nhóm khoảng 46 lính Nhật sống sót sau cuộc chiến đẫm máu, quay lên núi Tapochau.

Dưới sự chỉ huy của Sakae Oba, các đồng đội của ông đã thực hiện nhiều cuộc tấn công du kích, đột kích vào các vị trí của quân Mỹ, đánh cắp các nguồn hậu cần. Họ trở thành cái gai trong mắt thủy quân lục chiến Mỹ; bản thân Oba bị gắn biệt danh là “con cáo”. Lính Mỹ thường xuyên lùng sục và đặt bẫy nhằm tóm cho kỳ được Oban nhưng ông đã rất khôn khéo để tránh những cái bẫy này.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Oba và đồng đội vẫn không tin đó là sự thật và cáo buộc những bức ảnh về vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima là chuyện bịa đặt. Họ tiếp tục các chiến thuật trong vòng 16 tháng sau đó, quấy rối hàng vạn lính Mỹ đang đồn trú trên đảo Saipan và tiếp tục các cuộc đột kích dù rằng đã lâu họ không còn quân thù nào. Đến tháng 11-1945, Oba mới được thuyết phục rằng nước Nhật đã đầu hàng sau khi nguyên Thiếu tướng Umahachi Amô khẳng định rằng Thế chiến 2 đã thật sự kết thúc.

Khi quay về Nhật Bản, Oba đã không nhận được sự chào đón như cách mà truyền thông và dân chúng Nhật đã đón tiếp Onoda và Yokoi. Ông bị đối xử như người không giá trị vì bị cho là hèn nhát đã không “quyết tử” cùng đồng đội tại chiến trường trên đảo Saipan. Không đầu hàng nghịch cảnh, Oba đã không ngừng phấn đấu và trở thành một doanh nhân thành công. Chuyện đời của Sakae Oba đã được viết trong nhiều cuốn sách, đáng chú ý là tác phẩm “Samurai cuối cùng” được chuyển thể sang tiếng Anh.

“Sói hoang” Teruo Nakamura

Chào đời tại một lãnh thổ từng cho người Nhật chiếm đóng là Formosa (Đài Loan ngày nay), mang tên là Attun Palalin. Nakamura là tên tiếng Nhật khi ông gia nhập quân đội Thiên hoàng năm 1943. Nakamura được phái tới hòn đảo Morotai (Indonesia), nơi bị quân Mỹ tấn công vào tháng 11-1944.

Trước hỏa lực mạnh của người Mỹ, quân Nhật lùi sâu và cuối cùng biến mất vào rừng già để thực hiện các cuộc chiến tranh du kích. Nhiều lính Nhật lâm cảnh đói khát và bệnh tật còn những người sống sót lại rơi vào tình trạng mất phương hướng khi không có nguồn cung cấp nào.

Nakamua bí mật dựng một ngôi nhà bán kiên cố ngay tại khoảnh đất trống của vùng núi Garoca. Ông làm rẫy, trồng ớt đỏ, chuối, khoai sọ và đu đủ. Ông cũng tự mình thuần hóa lợn rừng và các loài động vật rừng khác. Nakmura sống sót nhờ các vụ mùa trong khi ở quê ông ai cũng ngỡ ông đã chết.

Bản thân ông luôn lo sợ các đồng đội tìm cách mưu hại, và thậm chí khước từ việc đầu hàng. Sau nhiều năm chỉ có số ít phi công và cư dân địa phương thấp thoáng nhìn thấy bóng ông đâu đó trên hòn đảo, và chẳng ai biết ông là ai, từ đâu đến.

Sau khi Hiroo Onoda ra trình diện vào năm 1974, lúc này mọi sự chú ý chuyển hướng vào Nakamura, người đang sống đâu đó trên hòn đảo Morotai. Nhận thức được người lính thất lạc này, Đại sứ quán Nhật ở Jakarta đề nghị giúp lần ra dấu vết của người lính bí ẩn.

Sau 3 ngày tìm kiếm, vào ngày 18-12-1974, một toán lính Indonesia đã cất vang bài quốc ca Nhật Bản với hy vọng Nakamura sẽ nghe thấy cũng như nhằm xoa dịu tinh thần của người lính Nhật. Toán lính đã tìm thấy Nakamura đang run bần bật trong căn lều của mình. Họ đưa ông tới bệnh viện ở Jakarta. Trong thời gian sống trên đảo Morotai, ông đã làm bạn với một thợ săn và từng giải cứu một cô gái trẻ thoát khỏi nguy hiểm.

Vì những hành động này, ông được dân đảo gọi là “Người Nhật tốt bụng” và nhận được sự cảm thông từ dân chúng Indonesia. Thật không may, khi bước ra khỏi rừng, Nakamura đã không có nhà, không có căn cước, không quốc tịch khi mà Formosa đã từ lâu không còn tồn tại, cũng như không còn chế độ Thiên hoàng như thời ông phục vụ. Vì không phải là người Nhật nên Nakamura không được truyền thông và dân chúng Nhật chào đón. Ông chỉ nhận được một khoản tiền mặt từ Chính phủ Nhật.

Nakamura quyết định quay lại Đài Loan năm 1975, ông khám phá ra rằng mình có 1 đứa con trai mà ông chưa từng gặp, còn vợ ông thì đã tái giá sau khi nghĩ rằng chồng đã chết. Người vợ cũ sau này quay lại và cưới ông, nhưng cuộc hôn nhân này không diễn ra được lâu vì Nakamura đã chết bởi bệnh ung thư phổi vào năm 1979.

Chưa bao giờ ông có được cuộc sống trọn vẹn dù ở Nhật hay Đài Loan và đều không được công nhận là công dân tại 2 nước này. Có lẽ một phần của Nakamura vẫn đang ở lại trong cánh rừng xa xôi trên đảo Morotai và ông sẽ quay lại đó nếu có cơ hội.

Cập nhật: 18/04/2018 Theo ANTG
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video