Nhà vệ sinh trên máy bay hoạt động như thế nào?

Nhà vệ sinh trên máy bay hoạt động như thế nào mà chất thải từng bị rơi xuống mặt đất?

Máy bay không có két nước lớn để xả bồn cầu nhưng khu vệ sinh vẫn luôn sạch sẽ.

Vào mùa hè, thời điểm mọi người đổ xô đi du lịch, các máy bay thương mại thường đông nghịt hành khách. Có lẽ một vấn đề tế nhị sẽ luôn thường trực trong đầu nhiều du khách: nhà vệ sinh trên máy bay có trống không. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo khi bạn ấn nút xả trên máy bay?


Phần lớn các máy bay đều thiết kế nhà vệ sinh ở phía cuối. (Ảnh: ZeeNews).

Theo Mental Floss, không giống như nhà vệ sinh thông thường, một chiếc máy bay không thể chứa két đầy nước để đẩy chất thải ra khỏi bồn cầu. Ngoài việc tốn hàng trăm lít nước, việc để chất lỏng trong một môi trường thường xuyên rung lắc như máy bay là điều không nên làm.

Trước đây, các máy bay sử dụng một hệ thống bơm điện tử để di chuyển chất thải cùng với một dung dịch khử mùi được gọi là Anotec. Phương pháp này có hiệu quả, nhưng phát sinh một vấn đề: máy bay phải mang theo lượng lớn dung dịch trên, gần giống như lưu trữ nước. Điều đó làm tăng chi phí nhiên liệu và tăng thêm trọng lượng cho máy bay. Tất nhiên, các hãng hàng không mong chở thêm khách hơn là nước hoặc các dung dịch xử lý chất thải.

Từ những năm 1980, các máy bay sử dụng khí nén chân không để hút chất thải lỏng và rắn xuống một bể chứa ở phía sau máy bay. Khi bạn nhấn nút xả, van ở dưới đáy của bồn cầu mở ra, cho phép các chất thải bị hút với lực cực mạnh vào thẳng bể chứa. Bể này sẽ được xả sạch và khử trùng sau khi máy bay hạ cánh.

Nhà WC hút chân không trên máy bay có lực hút rất mạnh, cuốn trôi mọi chất thải và làm sạch nhờ thứ dung dịch màu xanh. Đặc biệt, toilet trên máy bay còn được tráng một lớp phủ không dính Teflon giúp trôi tuột mọi chất thải "cứng đầu" nhất.

Do sự chênh lệch áp suất giữa các đường ống và phòng vệ sinh, chất thải sẽ đi vào bể chứa và xuống phần dưới cùng của máy bay. Tại đây, tất cả chất thải sẽ ở lại trong suốt hành trình bay. Khoang chứa này được thiết kế chốt, chỉ có thể mở được từ bên ngoài sau khi máy bay hạ cánh.


Năm 1982, nhà vệ sinh hiện đại lần đầu xuất hiện trên máy bay Boeing để phục vụ các chuyến bay thương mại.

Theo chia sẻ của một nam tiếp viên hàng không có tên Garrett, một chiếc máy bay cỡ lớn như Boeing 747, thùng chứa nhà vệ sinh có thể đựng được hơn 1.200 lít chất thải. Con số này hiểu nôm na là đủ sức chứa cho hàng trăm hành khách sử dụng trong suốt chuyến bay, đặc biệt là những hành trình dài tới hàng chục tiếng.

Vào thời điểm máy bay hạ cánh, xe tải chuyên dụng của bộ phận dưới mặt đất sẽ tới thu dọn. Khi đó, chất thải được hút sạch vào thùng chứa sau xe. Tiếp đó, các nhân viên sẽ nối ống vào thùng chứa, bơm dung dịch làm sạch để khử trùng toàn bộ phía trong. Cuối cùng, chất thải sẽ được chở tới khu vực xử lý riêng và kết thúc quy trình.

Nghe có vẻ nhà vệ sinh trên không sẽ được trang bị và kiểm tra gắt gao trước mỗi lần cất cánh. Song trên thực tế, chiếc bồn cầu này vẫn có thể tắc do hành khách bỏ tã lót, vỏ lon nước ngọt vào trong hoặc thậm chí là rò rỉ.

Nigel Jones, chuyên gia kỹ thuật máy bay của Đại học Kingston ở London, cũng là thành viên của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Vương quốc Anh kể lại một vài trường hợp xả nước thải máy bay một cách vô tình. Các chất như thế thậm chí còn được đặt tên là "băng xanh".

Jones cho biết máy bay chưa bao giờ cố tình thải chất thải nhà vệ sinh vào khí quyển, kể cả ngày xưa. Nhưng nếu rò rỉ xảy ra trong đường ống xả, vì nhiệt độ trên cao cực kỳ lạnh nên bất kỳ chất lỏng nào chảy ra sẽ tự động đóng băng.

Điều này từng phổ biến hơn cho đến những năm 1980, khi luật cấm cất cánh khi hệ thống nhà vệ sinh của máy bay bị rò rỉ được đề ra.

Năm 2016, một phụ nữ Ấn Độ đã bị một... khối phân đóng băng to bằng quả bóng gây chấn thương ở vai. Khối phân bị đóng băng này được cho là rơi từ trên máy bay xuống.

Cụ thể, Rajya Rani Gaud sống ở làng Aamkhoh thuộc vùng Sagar của Ấn Độ. Cô may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần vì khối băng chứa hỗn hợp phân và nước tiểu này đã đập vào một sân thượng gần đó trước khi tiếp tục rơi vào người của cô.


Vật thể bị nghi là chất thải người từ máy bay rơi xuống làng Fazilpur.

Các chuyên gia nói rằng họ không biết chính xác khối băng đến từ đâu nhưng có khả năng một toilet máy bay bị rò rỉ khiến chất thải thoát ra ngoài và đóng băng khi rơi xuống mặt đất.

Một nhân chứng có tên Deepak Jain nói với tờ The Times của Ấn Độ: "Tôi chỉ cách khối dị vật khoảng 25 feet lúc nó rơi xuống".

Cục Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ phát biểu trên tờ Mail Online: "Thỉnh thoảng, các bể chứa hoặc đường ống sẽ bị rò rỉ. Nếu điều này xảy ra ở độ cao lớn, nước sẽ đóng băng ngay khi thoát ra bên ngoài không khí".

Tuy nhiên, nếu "băng xanh" rơi xuống từ một chiếc máy bay, nó thường sẽ bị vỡ và tan chảy trước khi đến mặt đất. Trong trường hợp không may, nó sẽ tan chảy lúc máy bay sắp hạ cánh rồi phân tán thành những giọt li ti".

Có một bật mí quan trọng có thể giúp hành khách không phải xếp hàng dài chờ đợi được vào vệ sinh. Các tiếp viên hàng không nói rằng WC thường trống ngay sau khi đèn báo cần thắt dây an toàn tắt hoặc trước khi đồ uống được phục vụ.

Cập nhật: 12/03/2024 Theo VNE/ĐSPL
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video