Đời sống công nhân xây kim tự tháp

Từ nhiều thập niên qua, kim tự tháp Ai Cập tiết lộ cho người đời nay nhiều chi tiết về đời sống các pharaoh trong xã hội Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, không mấy ai nói đến đời sống của những người đã đem mồ hôi, nước mắt và máu xương của mình để tạo nên những công trình kiến trúc vĩ đại ấy.

Đó là những công nhân đến từ khắp nơi trên đất nước Ai Cập, tham gia vào những công trường xây dựng, mà gần đây, qua những phát hiện khảo cổ học được phân tích bằng công nghệ hiện đại, chúng ta mới biết được ít nhiều về đời sống của họ.

Từ lâu, khi nói đến các kim tự tháp Ai Cập, ngoài những bí ẩn chưa được giải mã hết về các pharaoh, các nhà nghiên cứu vẫn thường bị ám ảnh bởi những câu hỏi liên quan đến những người trực tiếp tạo dựng ra chúng: họ là thành phần xã hội nào? Họ sống ở đâu trước và trong thời gian xây dựng kim tự tháp? Đời sống thường nhật của một công nhân xây dựng và gia đình họ như thế nào?

Những giả thuyết đầu tiên nhằm giải đáp phần nào số câu hỏi trên được đưa ra vào năm 1888, qua cuộc điều tra khảo cổ học của nhà khoa học người Anh Flinders Petrie tại phức hợp kim tự tháp của Senwosert II ở Ilahun. Tại đây, một khu vực có tường bao quanh để lộ hình ảnh một thị trấn với những dãy nhà đắp nền cao, tường xây bằng gạch bùn, bên trong có những bản thảo viết bằng giấy papyrus, đồ gốm, dụng cụ, quần áo và đồ chơi trẻ con, cùng tất cả những mảnh vỡ của đời sống thường nhật mà không có ở những địa điểm khai quật khảo cổ học nào trước đó. Các nhà Ai Cập học đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học không dành thì giờ cho việc khảo sát, tìm hiểu các kiến trúc dân sự thời Ai Cập cổ. Mãi đến gần đây, nhờ những cuộc khai quật rộng rãi của hai nhà Ai Cập học Mark Lehner và Zahi Hawass quanh khu vực Đại Kim Tự Tháp (Great Pyramid) mà người ta biết được ít nhiều về cuộc sống của những công nhân xây dựng kim tự tháp ở đây.

Theo nhà sử học người Hy Lạp Herodutus, Đại Kim Tự Tháp được xây dựng bởi 100.000 nô lệ làm việc liên tục và cứ mỗi ba tháng mới được thay thế một lần bằng những nhóm thợ mới. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu hiện nay, đây là một sự lầm lẫn của Herodutus. Vua Khufu, người cai trị Ai Cập ở triều đại thứ tư - triều đại chịu trách nhiệm thực hiện Đại Kim Tự Tháp - không thể có một lực lượng công nhân hùng hậu như thế trong tay ông. Vả lại, nếu có như thế thì cũng không thể xảy ra tình trạng 100.000 người cùng xây dựng một kim tự tháp một lúc. Mỗi nhà khảo cổ học có cách tính toán riêng về số công nhân tham gia vào công trình này, nhưng đa số nhất trí rằng Đại Kim Tự Tháp được thực hiện bởi gần 4.000 công nhân có tay nghề cao, như thợ khai thác đá, công nhân vận chuyển, thợ nề, với sự giúp sức của khoảng 16.000 - 20.000 thợ phụ, phụ trách làm đường dốc, trộn vữa, cung ứng thực phẩm, quần áo, nhiên liệu... Như vậy, tính tổng cộng số người tham gia vào công trình xây dựng Đại Kim Tự Tháp là khoảng 20.000 - 25.000 người, làm trong 20 năm hay lâu hơn nữa.

Các nhà nghiên cứu ước tính số thợ trên được chia thành 2 lực lượng, một lực lượng lao động thường trực có hưởng lương khoảng 5.000 người, sống với vợ con cùng các thân nhân khác trong một ngôi làng được tổ chức chu đáo. Và một lực lượng lao động tạm thời 20.000 người, làm mỗi đợt ba hay bốn tháng, sống trong những trại ít quy củ hơn dọc theo làng kim tự tháp. Ngày nay, người ta tìm thấy một bức tường khổng lồ bằng đá vôi ngăn cách khu vực của người sống với "giang sơn" của người chết. Ngôi làng chính của những người thợ xây kim tự tháp nằm bên ngoài bức tường này, gần với ngôi đền của kim tự tháp. Điều đáng tiếc là phần lớn ngôi làng này hiện nằm bên dưới thị trấn Nazlet-es-Samman hiện đại, nên việc tiếp cận rất khó khăn.

Ngày nay, các nhà khảo cổ học phát hiện một nghĩa trang dốc thoai thoải, nơi chôn cất đàn ông, đàn bà, trẻ con của ngôi làng kim tự tháp. Mồ mả của họ rất đa dạng, có cái hình kim tự tháp nhỏ, có cái hình kim tự tháp bậc thang, có cái là mộ vòm, thường được làm bằng những loại đá đắt tiền "mượn" từ vật liệu xây dựng kim tự tháp chính. Những ngôi mộ bằng đá vôi lớn hơn nằm trên đỉnh cao của phần dốc nghĩa trang là nơi chôn cất của những người có trách nhiệm quản lý việc điều hành xây dựng và những người cung ứng vật tư. Trong quá khứ, bọn trộm cướp kim tự tháp không để tâm đến những nghĩa trang loại này nên đến nay nhiều bộ hài cốt vẫn còn nguyên vẹn, cho phép các nhà khoa học tái hiện cuộc đời của những người đã sống, lao động và chết ở Giza.

Trong số 600 bộ hài cốt được khảo sát ở nghĩa trang kim tự tháp, người ta nhận thấy gần 50% là phụ nữ, số trẻ em và trẻ sơ sinh cũng chiếm đến 23% tổng số, điều này dễ dàng cho phép kết luận là trong thời gian xây dựng kim tự tháp, những người thợ chính đã sống chung với vợ con họ ngay dưới bóng mát của ngôi mộ khổng lồ dành cho các pharaoh.

Ở các ngôi mộ của những người giám sát công trình có chứa những bản văn khắc miêu tả việc tổ chức và kiểm tra lực lượng lao động. Chính nhưng bản văn này cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết về hệ thống xây dựng kim tự tháp. Chúng cho thấy việc sử dụng lao động tạm thời là giải pháp tiêu biểu của người Ai Cập đối với vấn đề hậu cần. Tại khu kim tự tháp Giza, lực lượng lao động được chia thành từng nhóm 2.000 người rồi tiếp tục phân thành những nhóm nhỏ 1.000 người, 200 người và dừng lại ở nhóm 20 người.

Những công nhân tạm thời của công trường xây dựng kim tự tháp sống trong những trại tạm bợ bên cạnh thị trấn. Tại đây, họ nhận được lương bổng dưới dạng khẩu phần thực phẩm. Tiêu chuẩn dưới thời vương quốc cổ (2686-2181 trước Công nguyên) dành cho một công nhân là 10 ổ bánh mì và một vại bia mỗi ngày.

Những viên chức giám sát công trình và những người hưởng quy chế cao hơn nhận được hàng trăm ổ bánh mì và nhiều vại bia một ngày. Đây là những thực phẩm không thể cất trữ lâu nên theo các nhà nghiên cứu, chúng sẽ được bán ra thị trường, đổi lấy những sản phẩm khác hoặc tiền. Trong mọi trường hợp, một thị trấn kim tự tháp cũng giống như mọi thị trấn Ai Cập khác, sẽ sớm phát triển nền kinh tế riêng của nó.

Những công nhân tạm thời khi chết tại hiện trường lao động sẽ được chôn cất cùng những dụng cụ họ đã mua sắm. Trong việc khảo sát, các nhà khảo cổ nhận thấy mộ của họ được chôn lấp vội vã và có dáng vẻ nghèo nàn so với mộ của những công nhân lao động thường trực. Ở phía nam thị trấn kim tự tháp, người ta phát hiện một khu công nghiệp chia thành nhiều khối hoặc hành lang cách nhau bởi những con đường lát đá được lắp đặt cống thoát nước và có cả nhà của một số công nhân. Mark Lehner đã phát hiện một nhà máy sản xuất đồng, hai cơ sở làm bánh có đủ khuôn để nướng hàng trăm ổ bánh mì cùng một lúc và một dụng cụ làm cá với những chất thừa còn lại của hàng nghìn con cá. Đây là lượng thực phẩm lớn dành cho nhiều người, cho dù đến nay, Lehner vẫn chưa tìm ra dấu vết của một nhà kho hay nơi lưu trữ dụng cụ, thực phẩm nào. Xương súc vật được tìm thấy ở thị trấn kim tự tháp cùng những khu vực gần đó xuất phát từ các loài vịt, cừu, lợn... Chúng có thể được nuôi trong nhà, trong xưởng thợ của thị trấn kim tự tháp, nhưng những loại gia súc cao cấp khác như bò có thể được nuôi trên những đồng cỏ rộng và chở đến thị trấn.

Sau khi đối chiếu các mẫu phân tử ADN trích từ hài cốt công nhân xây dựng kim tự tháp với các mẫu lấy từ cư dân Ai Cập đương đại, tiến sĩ Mopamia thuộc trường Y khoa Đại học Cairo đưa ra giả thuyết rằng kim tự tháp Kufu là một dự án mang tầm cỡ quốc gia, với số công nhân đến từ khắp đất nước Ai Cập. Tất nhiên, nhà nữ khoa học này không tìm thấy dấu vết nào của những người xa lạ, thậm chí người liên hành tinh như lời truyền tụng của nhiều người. Về mặt thực tế, kim tự tháp vừa là một dự án huấn luyện khổng lồ, vừa là một nguồn "Ai Cập hoá". Công nhân rời bỏ những cộng đồng chỉ có 50 hay 100 người, đến sinh sống và làm việc trong một thị trấn có đến 15.000 người hay nhiều hơn nữa. Họ quay về quê nhà với những kỹ năng mới, một cái nhìn rộng rãi hơn và một cảm nghĩ về quốc gia mới mẻ hơn. Việc trả lương cho họ, dù dưới dạng khẩu phần ăn, cũng là một hình thức tái phân lợi tức có tầm cỡ quốc gia.

Có thể nói trong thời Ai Cập cổ, hầu hết các gia đình đều trực tiếp hay gián tiếp có liên hệ đến việc xây dựng các kim tự tháp. Tuy nhiên, khác với giả thuyết của Herodotus cho đó là những nô lệ bị áp bức, Lehner và Hawass gợi ý rằng họ có thể là những người tình nguyện. Hawass cho là biểu tượng kim tự tháp có đủ sức mạnh tinh thần tình nguyện vì lợi ích quốc gia. Mark Lehner còn đi xa hơn, so sánh việc xây dựng kim tự tháp với việc thiết lập kho thóc của giáo phái Amish ở Mỹ, dựa trên tinh thần tự nguyện. Đó phải chăng là một phát hiện mới liên quan đến chế độ lao động của những người tham gia xây dựng những công trình vĩ đại của Ai Cập nói riêng và toàn nhân loại nói chung?

Theo Khoa Học
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video