Đông Đàn - thành phố không carbon đầu tiên trên thế giới

Chính phủ Trung Quốc đã tán thành việc cho xây dựng Đông Đàn thành thành phố không carbon đầu tiên trên thế giới. Sau Tết Nguyên đán chỉ còn một vài thủ tục cần thiết sẽ được thông qua. Dự kiến trong vòng 25 năm tới, Đông Đàn (Dongtan) sẽ trở thành thành phố sinh thái đầu tiên trên thế giới với 500.000 dân.

Quyết tâm từ trung ương

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã hậu thuẫn cho đề án Đông Đàn khi thăm một cuộc triển lãm hoạch định đô thị Thượng Hải với yêu cầu đặt ra của chính quyền Thượng Hải là xây dựng các đô thị không carbon.

Và đề án Đông Đàn trên đảo Trung Minh (Chongminh) gần Thượng Hải là nơi được chọn. Cư dân sẽ đựơc sống trong một môi trường trong lành không carbon, không khí thải xe hơi và là thành phố sử dụng các nguyên liệu tái chế đúng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường bền vững.

Theo dự báo, đến năm 2030, 60% dân số thế giới sẽ sống trong các đô thị. Tiến trình đô thị hóa ở Trung Quốc đang diễn ra chóng mặt.

Đô thị sinh thái là mô hình lý tưởng cho đô thị tương lai.

Hiện có 90 thành phố với hơn 1 triệu người dân và dự báo 400 triệu người từ vùng nông thôn sẽ chuyển đến thành phố trong 30 năm tới.

Vấn đề môi trường bền vững đối với sự phát triển quá tải ở các đô thị đang làm đau đầu các nhà hoạch định đô thị.

Chính trong bối cảnh này mà Đông Đàn được chính phủ Trung Quốc quyết tâm đầu tư thành kiểu mẫu của cuộc sống đô thị với tiêu chuẩn bền vững môi trường. Đông Đàn sẽ là đề án xây dựng đơn lớn nhất thế giới và tại một quốc gia đang có nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, gây thách thức lớn nhất đối với “tương lai xanh” của hành tinh.

Dự kiến đề án sẽ được hoàn thành năm 2010, khi hội chợ Expo diễn ra ở Thượng Hải và đến năm 2030 sẽ có hơn 500.000 người sinh sống.

Đề án sẽ khá tốn kém với chi phí ban đầu khoảng 1,5 tỷ bảng Anh, nhưng người ta cho rằng chi phí cho một dự án có tầm vóc như thế sẽ đội lên nhiều. Quyết tâm với dự án Đông Đàn, Chính phủ Trung Quốc muốn gửi một tín hiệu rằng họ đang nghiêm túc làm một điều gì đó cho môi trường sống trước những thay đổi môi trường ngày càng xấu đi của toàn cầu.

Tập đoàn của Anh Arup, từng xây các công trình nổi tiếng như nhà hát con sò Sydney, Bảo tàng Pompidou ở Paris và Tate Modern ở London, được chọn đầu tư cùng với Tập đoàn đầu tư công nghiệp Thượng Hải (SIIC).

Mô hình của các đô thị sinh thái tương lai

Được đặt ở đảo lớn thứ 3 của Trung Quốc, Đông Đàn sẽ được phát triển trên diện tích 630ha, dự kiến sẽ thu hút những đầu tư cho ngành giải trí và thương mại, chủ yếu cho những công ty có thể tạo ra môi trường sinh thái tích cực như những công ty công nghệ sinh học.

Tất cả các tòa nhà ở Đông Đàn sẽ được thiết kế để có thể tự cung cấp năng lượng để sử dụng từ những nguồn năng lượng gió, mặt trời và các nguồn năng lượng thay thế khác.

Vật liệu để xây dựng các tòa nhà này là các vật liệu địa phương, phối hợp hài hòa các công nghệ xây dựng truyền thống và hiện đại. Tất cả tòa nhà và căn hộ trong thành phố sẽ chỉ mất khoảng 7 phút để đi bộ đến trạm xe công cộng. Đa số công dân ở Đông Đàn sẽ làm việc trong thành phố.

Các kiến trúc sư cho biết Đông Đàn sẽ giống như trong một bộ phim khoa học viễn tưởng, và các nguyên tắc xây dựng là một sự thử nghiệm.

Đảo Trung Minh.

Đảo Trung Minh phát triển mạnh trong thế kỷ vừa qua vì nó nhận phù sa màu mỡ từ sông Dương Tử. Trung Minh hiện được xem là đảo phù sa lớn nhất thế giới. Điều kiện tự nhiên này đã thu hút hàng triệu con chim di trú hàng năm, xem đảo Trung Minh như trạm dừng chân trên chặng đường di trú.

Phát triển Đông Đàn ở đảo Trung Minh thành một đô thị sinh thái còn thêm một khó khăn nữa vì phải bảo tồn được điều kiện sống tự nhiên của đàn chim di trú.

Nhưng điều này cũng đem thêm lợi thế cho Đông Đàn. Các nhà hoạch định Đông Đàn dự kiến vùng đất ngập nước và gần nơi trú ẩn của chim này sẽ không có xe hơi chạy bằng xăng hay dầu diesel, mà chỉ có những xe hơi chạy bằng pin hay tế bào năng lượng.

Điều này sẽ đem đến một không gian yên tĩnh cho cư dân ở Đông Đàn, gần gũi thiên nhiên và mọi nhà đều có thể hứng nắng gió của trời mà không cần sử dụng máy điều hòa không khí.

Hiện tại, để đến được Đông Đàn, người ta phải đi phà từ Thượng Hải sang đảo Trung Minh. Trong tương lai, khi đô thị Đông Đàn được hình thành, nhiều kênh và cầu mới sẽ mọc lên và chỉ mất khoảng 20 phút từ Đông Đàn đến trung tâm Thượng Hải.

Hiện nay, đa số cư dân ở Trung Minh đến Thượng Hải để làm việc, nhưng khi Đông Đàn được xây dựng xong, dự kiến thành phố sẽ cung cấp việc làm cho toàn bộ cư dân trên đảo mà không cần phải đi nơi khác làm việc.

Phát triển đô thị Đông Đàn sẽ chiếm khoảng 40% diện tích đất đảo Trung Minh. Và một trong những viễn cảnh chính của thiết kế thành phố là sẽ ngăn chặn ô nhiễm ánh sáng và tiếng ồn, cũng như khí thải và nước thải sát ngay các vùng đất ẩm ướt.

Vì thế, một hệ thống kênh rạch sẽ được xây dựng trở thành mạng lưới giao thông trong thành phố. Du khách vào Đông Đàn sẽ phải đậu xe bên ngoài thành phố và sử dụng giao thông công cộng để đi quanh Đông Đàn.

Với quyết tâm thực hiện Đông Đàn, Chính phủ Trung Quốc hy vọng đây không phải là một mô hình để bắt chước mà sẽ là sự tiên phong cho phong trào đô thị sinh thái trên toàn cầu.

HOÀI ANH

Theo Independent, Sài Gòn giải phóng
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video