Nhiều loại động vật rừng và thủy sản ở rừng bán ngập mặn huyện Nhơn Trạch ( Đồng Nai) đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do ô nhiễm môi trường nguồn nước và việc đánh bắt mang tính hủy diệt.
Một góc rừng ngập mặn (Ảnh: VNN) |
Đặc biệt, do rừng nằm ở vị trí hạ nguồn của con sông Đồng Nai, lại gần biển và ảnh hưởng của thủy triều lên xuống nên có hàng trăm loài tôm, cá thuộc nước ngọt, nước lợ và nước mặn cùng sinh sống ở đây.
Tuy nhiên, đến nay nhiều loại động vật ở khu vực này đã biến mất. Lượng tôm cá cũng đang bị cạn kiệt do nước thải công nghiệp chưa qua xử lý và một số vùng lân cận xâm nhập.
Mỗi khi các đợt thủy triều mạnh đẩy nguồn nước với lưu lượng lớn từ cửa sông, cửa biển mang theo nước thải công nghiệp ô nhiễm tràn vào sâu trong rừng, làm cho các loại động, thực vật bị ảnh hưởng lớn.
Dọc theo hai bên bờ các kênh rạch của rừng ngập mặn này, nhiều loại cây bị người dân khai thác trái phép để lấy gỗ, củi, nhất là những vạt dừa nước, được coi là nơi trú ngụ lý tưởng của các loại chim, thú, tôm, cá cũng bị người dân chặt trụi lá để dùng cho việc lợp nhà.
Tình trạng người dân dùng kích điện, cào điện để đánh bắt thủy sản đang có chiều hướng gia tăng, trong khi các ngành chức năng địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, ví dụ mỗi năm, chính quyền xã đã bắt hàng chục vụ khai thác tài nguyên rừng trái phép và giao lên các ngành chức năng của huyện để xử lý, nhưng mức độ xử phạt hành chính không đủ để răn đe người vi phạm.
Thậm chí, nhiều đối tượng do quen biết được bỏ qua và vẫn tiếp tục tái phạm.
Theo giới chuyên môn, đặc điểm của rừng ngập mặn là khả năng tự làm sạch môi trường rất tốt, nhưng vấn đề ô nhiễm, nhất là nguồn nước thải công nghiệp không qua xử lý vượt ngưỡng cho phép thì rừng sẽ mất chức năng đó.