Động vật có mãn kinh giống người?

Trong vương quốc động vật có đầy rẫy những chiến lược sinh sản lạ lùng, nhưng khi nhắc đến vấn đề mãn kinh, con người thuộc nhóm kỳ dị nhất.

Chỉ duy nhất 3 loài trên hành tinh - con người, cá heo sát thủ và cá heo hoa tiêu - có các cá thể cái thường ngưng sinh sản nhiều năm trước khi kết thúc cuộc sống của mình. Chẳng hạn như ở loài người, thời kỳ sau mãn kinh chiếm gần 1/3 tuổi thọ của phụ nữ.

Khả năng sinh sản của nhiều loài động vật trở nên kém đi theo thời gian và tuổi tác. Ví dụ, các con tinh tinh cái bắt đầu trải qua thời kỳ suy giảm khả năng sinh sản từ ngoài tuổi 30 cho tới khi khả năng này xuống tới mức bằng 0 quanh tuổi 45.

Theo Virpi Lummaa - nhà sinh vật học tiến hóa thuộc Đại học Sheffield (Anh), điều tạo nên sự khác biệt cho con người và 2 loài cá heo sát thủ cũng như cá heo hoa tiêu là các cá thể cái trong 3 loài này vẫn tiếp tục sống rất lâu sau khi mãn kinh, trong khi những con cái thuộc loài tinh tinh và các động vật khác hiếm khi sống sót qua thời điểm mà buồng trứng của chúng cạn kiệt hoàn toàn, ngay cả trong điều kiện nuôi nhốt.

Các con cá heo sát thủ cái bước vào thời kỳ mãn kinh trước 50 tuổi, nhưng có thể sống tới 90 tuổi. Trong khi đó, cá heo hoa tiêu ngưng sinh sản lúc được khoảng 36 tuổi và có thể sống thọ 65 năm.

Một câu hỏi đặt ra ở đây là, tại sao chẳng có mấy loài trải qua thời kỳ mãn kinh? Một số nhà nghiên cứu tin rằng, câu trả lời nằm ở cấu trúc gia đình đặc trưng ở loài người và 2 loài cá heo.

Con người, cá heo sát thủ và cá heo hoa tiêu trở nên gắn bó về mặt di truyền hơn với những cá thể mình sống cùng khi có tuổi. Cụ thể ở người, phụ nữ theo truyền thống sẽ rời bỏ gia đình của bố mẹ đẻ để gia nhập gia đình nhà chồng. Ban đầu, họ không gắn bó về mặt di truyền với gia đình chồng, nhưng khi họ có tuổi và con cái bắt đầu sinh đẻ, họ trở nên gắn kết chặt chẽ hơn, về mặt di truyền, với những người xung quanh mình.

Hoàn cảnh như vậy có thể tạo ra thiên hướng ngưng sinh đẻ để hỗ trợ các thế hệ trẻ hơn cùng dòng máu thực hiện thiên chức làm bố, làm mẹ - một mẫu hình trợ giúp về cuối đời mà các nhà nghiên cứu gọi là giả thuyết về người bà.

Dẫu vậy, các chuyên gia khác tin rằng, người mẹ bắt đầu thời kỳ mãn kinh khi con gái họ bước vào độ tuổi sinh đẻ nhằm đối phó với tình trạng khan hiếm tài nguyên, chẳng hạn như thực phẩm và đối với người hiện đại là tiền.

“Nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà không thể cùng sinh đẻ thành công khi các nguồn tài nguyên khan hiếm”, nhà sinh vật học tiến hóa Lummaa nhấn mạnh trên Live Science.

Với tên gọi “giả thuyết xung đột sinh sản”, một số nhà nghiên cứu nhắc tới hiện tượng trên như giả thuyết “Bố của cô dâu 2”, vì nó tương tự như tình huống trớ trêu trong bộ phim cùng tên năm 1995, trong đó nhân vật nam Steve Martin rơi vào cảnh bi hài khi cả vợ và con gái mang bầu cùng lúc.

Tuy nhiên, chuyên gia Lummaa thừa nhận, tất cả mới chỉ là phỏng đoán và căn nguyên chính xác cho hiện tượng mãn kinh ở người và cá heo có thể vẫn mãi là một bí ẩn đối với khoa học. Hiện gần như không có bằng chứng khảo cổ học cho thấy quá trình tiến hóa của hiện tượng này. Con người chưa từng phát hiện bất kỳ dấu vết nào về sự mãn kinh trong các hóa thạch.

Theo Vietnamnet, Livescience
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video