Động vật xâm lấn: Vị cứu tinh bất ngờ của cá sấu Australia

Động vật xâm lấn có thể gây thiệt hại cho hệ sinh thái địa phương. Nhưng đôi khi chúng lại có thể là nguồn thức ăn thiết yếu cho các loài thú săn mồi đang trên bờ tuyệt chủng.

Cảnh tượng ấy đã diễn ra vô số lần ở khắp các vùng đầm lầy tại miền Bắc Australia: Một con cá sấu nước mặn phủ phục dưới đầm lầy, chờ đến khi lợn hoang mò tới rìa nước là tấn công. Dù là lợn hoang trưởng thành nặng gần 70 kg cũng không thể thoát khỏi hàm răng cá sấu.

Những lần tương tác như vậy, theo các nhà khoa học, là bằng chứng cho thấy lợn hoang - loài động vật xâm lấn gây thiệt hại lớn cho môi trường hoang dã của Australia - có thể đã giúp cá sấu nước mặn thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng.

Mối quan hệ bất ngờ giữa cá sấu và lợn hoang, hay rộng hơn là giữa loài săn mồi và loài gây hại, có thể đang viết lại câu chuyện về cách bảo tồn hệ sinh thái bản địa. Giới chuyên gia và quan chức ở Australia và Mỹ lúc này cũng sẽ cần tính tới vai trò của loài xâm lấn trong công tác bảo tồn động vật bản địa.


Cá sấu nước mặn tấn công lợn hoang ở Australia. (Ảnh: Alamy).

Lợn hoang cứu cá sấu trước bờ tuyệt chủng

Để biết liệu loài lợn hoang có giúp khôi phục quần thể cá sấu Australia hay không, tiến sĩ Mariana Campbell và đồng nghiệp thuộc Đại học Charles Darwin (Australia) đã nghiên cứu đồng vị carbon và nitơ thu được trong những năm gần đây từ mẫu xương cá sấu sống ở cảng Darwin và Vườn Quốc gia Kakadu.

Những mẫu trên sẽ được đối chiếu với các mẫu vật được thu thập từ cá sấu sống khắp vùng Lãnh thổ Bắc Australia trong giai đoạn cuối thập niên 1960 tới giữa thập niên 1980.

“Xương động vật sẽ lưu lại đặc điểm của cuộc đời con vật. Nếu muốn tìm hiểu chế độ ăn của động vật trong thời gian ngắn, bạn cần nhìn vào máu và huyết tương”, bà Campbell nói. “Nếu bạn muốn ngược về xa hơn, bạn cần nghiên cứu da. Nhưng nếu muốn tìm hiểu dài hạn, ta phải xem xương”.

Kết quả phân tích xương cho thấy trong hơn 50 năm qua, lợn hoang đã trở thành nguồn thức ăn chính của cá sấu nước mặn. Phát hiện này cho thấy chế độ ăn của cá sấu nước mặn có sự thay đổi cơ bản, từ chủ yếu là con mồi dưới nước sang con mồi trên cạn.

Câu chuyện về sự thay đổi trong chế độ ăn của cá sấu nước mặn bắt đầu từ năm 1971, khi chính quyền vùng Lãnh thổ Bắc Australia cấm săn bắn loài vật này.

Nguyên nhân của lệnh cấm là sự suy giảm mạnh trong quần thể cá sấu nước mặn, từ khoảng 100.000 cá thể vào cuối Thế chiến II cho tới chỉ còn chưa đầy 3.000 vào năm 1971. Sau hàng triệu năm sống ở Australia, loài cá sấu nước mặn đã tiến sát tới bờ tuyệt chủng.


Lợn hoang được đưa tới Australia cùng với những đoàn người định cư đến từ châu Âu vào cuối thế kỷ 18. (Ảnh: Alamy).

Trong thập kỷ sau khi có lệnh cấm săn bắn cá sấu, nhà chức trách đồng thời thực hiện chương trình diệt trừ trâu rừng - một loài xâm lấn khác. Kết quả, quần thể trâu rừng giảm mạnh, nhường chỗ cho lợn hoang.

Vì thân hình nhỏ và tính ngại người hơn trâu rừng, lợn hoang rất khó bị săn bắt và diệt trừ. Số lượng quần thể lợn hoang tăng nhanh chóng và lan ra nhiều nơi, từ đó trở thành nguồn thức ăn sẵn có cho cá sấu.

Hiện Lãnh thổ Bắc Australia ước tính có 100.000 cá thể cá sấu nước mặn sống trong môi trường hoang dã. “Nếu không phải vì độ sẵn có của lợn hoang, quần thể cá sấu sẽ không khôi phục trở lại mức như hiện tại”, tiến sĩ Campbell nói.

Nghiên cứu của bà Campbell cùng đồng nghiệp, được đăng tải gần đây trên tạp chí khoa học Biology Letters, cũng chỉ ra rằng tốc độ hồi phục của quần thể cá sấu nước mặn thường chậm hơn ở nơi không có lợn hoang.

Tiến sĩ Cambell thừa nhận rằng cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn liệu hoạt động săn mồi của cá sấu nước mặn có tác động lên quần thể lợn hoang nói chung hay không. Nhưng các tín hiệu ban đầu rất hứa hẹn.

“Chúng tôi tin rằng cá sấu đang tạo ra các rào chắn ngăn chặn lợn hoang di chuyển”, bà Campbell nói.

Hệ lụy chưa rõ ràng

Nghiên cứu của nhóm bà Campbell về cá sấu nước mặn Australia nằm trong số những nghiên cứu đầu tiên xác nhận các loài thú săn mồi đầu bảng có thể được hưởng lợi khi số lượng loài xâm lấn trở nên lớn mạnh. Các nhà khoa học khắp thế giới từ lâu đã cho rằng mối quan hệ này có tồn tại.

Chẳng hạn, quần thể cá sấu Mỹ trải khắp vùng Duyên hải vịnh Mexico của Mỹ từng suy yếu tới mức nguy hiểm vào giữa thế kỷ 20. Tới năm 1938, chuột hải ly - một loài gặm nhấm lớn bán thủy sinh từ Argentina - được đưa tới các trang trại ở Louisiana để nuôi lấy lông.


Diều ăn sên ở Florida. (Ảnh: Alamy).

Sau khi trốn khỏi trang trại, chuột hải ly bắt rễ khắp miền Nam nước Mỹ, gây ra thiệt hại lớn cho môi trường đầm lầy duyên hải. Sự sinh sản nhanh của chuột hải ly, cùng với quy định bảo vệ pháp lý, cũng đã giúp cho quá trình hồi phục quần thể đàn cá sấu Mỹ ở khắp miền Nam.

“Khi hai loài này xuất hiện cạnh nhau, chuột hải ly là nguồn thức ăn chính trong chế độ ăn của cá sấu Mỹ”, Steven Platt, một nhà nghiên cứu bò sát thuộc Hội Bảo tồn Động vật hoang dã (Mỹ), nói.

Chim chóc đôi khi cũng hưởng lợi từ sự trỗi dậy của những loài động vật gây hại. Tại Florida, sự phát tán của loại ốc bươu vàng miệng tròn đã khiến loài diều ăn sên ở đây phải phát triển phần mỏ lớn hơn để ăn con mồi lớn hơn.

Các nghiên cứu sau đó xác nhận những cá thể diều ăn sên sinh trưởng ở vùng đầm lầy có sự xuất hiện của ốc bươu vàng miệng tròn sẽ có cơ thể khỏe mạnh hơn và tỷ lệ sinh tồn cao hơn trong giai đoạn 10 năm.

Tuy nhiên, bất chấp sự dịch chuyển chế độ ăn và sự thích ứng của các loài săn mồi, những loài động vật xâm lấn vẫn đang thắng thế. Ở Mỹ cũng như ở Australia, chỉ dựa vào cá sấu sẽ là chưa đủ để chống lại các loài xâm lấn.

“Liệu có các ví dụ rõ ràng cho thấy một loài sinh vật đã hưởng lợi từ một loài xâm lấn hay không? Chắc chắn là có”, tiến sĩ Frank Mazzotti, chuyên gia về cá sấu thuộc Đại học Florida (Mỹ) nói. “Nhưng còn những hệ lụy khác thì sao? Chúng ta chưa thể chắc chắn về điều đó”.

Cập nhật: 17/08/2022 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video