Năm nhà khoa học Đức đã đề xuất một chiến lược mới để giảm tác động của biến đổi khí hậu: Biến sa mạc ven bờ biển thành… rừng.
Rừng chứa nhiều cây xanh sẽ hấp thụ khí cacbon dioxit (CO2) có trong khí quyển, một trong những tác nhân chính gây hiệu ứng nóng lên toàn cầu. Sa mạc lại là nơi rất hiếm thảm thực vật và không có khả năng tiêu thụ carbon dioxit.
Các nhà khoa học Đức đã phát hiện ra cây Jatropha, một loại cây độc, có thể sinh trưởng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở nhiệt độ cao, đất khô cằn và có tính kiềm.
Cây Jatropha
Đồng thời, dầu chiết từ hạt của cây Jatropha có thể dùng làm nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường.
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất trồng cây Jatropha ở vùng sa mạc dọc bờ biển bán đảo Ả Rập và xây dựng một nhà máy khử muối để cung cấp lượng nước cần thiết cho việc tưới tiêu và chế tạo nhiên liệu sinh học từ hạt cây Jatropha.
Nếu dự án này thành công, trong tương lai cây Jatropha sẽ được trồng phổ biến ở các sa mạc ven biển, vừa giúp hấp thụ khí cacbon dioxit, vừa tạo ra nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học.
Hơn nữa, việc trồng cây Jatropha cũng giúp gia tăng độ phủ, chống xói mòn và tăng lượng mưa. Song các nhà nghiên cứu cũng không quên rằng, dự án cần được nghiên cứu một cách thận trọng, bởi việc thay đổi hệ sinh thái có thể sẽ gây ra những hậu quả rất bất ngờ.