Dữ liệu từ vệ tinh cho thấy, lượng nước biển dâng một năm bằng 365 triệu bể bơi

Phân tích dữ liệu vệ tinh của NASA cho thấy, mực nước biển toàn cầu trung bình tăng 0,27cm từ năm 2021 đến năm 2022.

Mực nước biển dâng trung bình toàn cầu trong giai đoạn 2021 - 2022 tương đương với việc thêm nước từ một triệu bể bơi kích thước chuẩn Olympic vào đại dương mỗi ngày trong suốt một năm, Interesting Engineering hôm 20/3 đưa tin. Đây chỉ là một phần của xu hướng nước biển dâng kéo dài nhiều thập kỷ.


Dữ liệu vệ tinh 30 năm giúp các nhà nghiên cứu tách biệt những nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo khiến nước biển dâng. (Ảnh: NASA)

Giới khoa học bắt đầu quan sát độ cao mặt biển lần đầu tiên vào năm 1993 với nhiệm vụ TOPEX/Poseidon của Mỹ - Pháp. Từ đó đến nay, mực nước biển đã tăng thêm 9,1 cm, theo nhóm khoa học Thay đổi Mực Nước biển của NASA.

Tốc độ nước biển dâng hàng năm theo dự kiến của các nhà nghiên cứu cũng tăng lên, từ 0,2 cm mỗi năm vào năm 1993 lên 0,44 cm mỗi năm vào năm 2022. Dựa trên các phép đo vệ tinh dài hạn, tốc độ nước biển dâng dự kiến là 0,66 cm mỗi năm vào năm 2050.

"Chúng tôi có được cái nhìn rõ ràng về mực nước biển dâng và có thể dự đoán tốt hơn mức độ và tốc độ nước dâng của các đại dương. Điều này là nhờ NASA và Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) thu thập những quan sát về đại dương suốt nhiều thập kỷ. Bằng cách kết hợp dữ liệu đó với các phép đo khác của NASA, chúng tôi có thể hiểu tại sao nước biển dâng lên", Karen St. Germain, giám đốc Bộ phận Khoa học Trái Đất thuộc NASA, cho biết.

"Những quan sát khí hậu nền tảng này giúp định hình hoạt động của nhiều cơ quan liên bang và quốc tế đang làm việc với các cộng đồng ven biển nhằm giảm thiểu và ứng phó với tình trạng mực nước tăng cao", Germain nói thêm.

La Niña là hiện tượng mặt biển ở vùng trung tâm và phía đông Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường. Do hiện tượng La Niña nhẹ, mức nước dâng năm 2022 thấp hơn mức dự kiến hàng năm. Trong những năm La Niña mạnh, mực nước biển toàn cầu có thể giảm tạm thời khi các kiểu thời tiết thay đổi, dẫn đến mưa ít hơn ở đại dương và nhiều hơn trên đất liền.

30 năm trước, việc đo độ cao mặt biển bắt đầu với TOPEX/Poseidon và tiếp diễn với 4 nhiệm vụ của NASA cùng các đối tác như Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), CNES, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Nhiệm vụ mới nhất trong series này là Sentinel-6/Jason-CS, bao gồm hai vệ tinh có thể tiếp tục thực hiện các phép đo đến năm 2030. Vệ tinh thứ nhất trong cặp này đã phóng năm 2020, trong khi vệ tinh thứ hai dự kiến bay lên quỹ đạo năm 2025.

Cập nhật: 22/03/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video