Du thuyền may mắn nhất thế giới, chu du gần 4 tháng không lo Covid-19

Trong khi đại dịch Covid-19 càn quét khắp thế giới, hàng loạt du thuyền khốn khổ vì bùng phát ổ lây nhiễm thì tàu Costa Deliziosa như một ốc đảo an toàn.

Sau gần 4 tháng chu du qua các đại dương, nhiều hành khách thậm chí không muốn xuống tàu trở về nhà vì sợ lây dịch bệnh.

Đối với du khách Tây Ban Nha Carlos Payá, việc được ở trên một chuyến du thuyền sang trọng chu du đại dương trong khi phần còn lại của thế giới bị cách ly trong nhà vì đại dịch Covid-19 còn vượt quá cả siêu thực. Đó là một "sự kiện may mắn".

Giờ đây, chuyến đi của ông trên du thuyền Costa Delizioza kéo dài 15 tuần đã sắp kết thúc. Con tàu đã tới Barcelona, Tây Ban Nha, nơi nó lần đầu tiên được cập cảng vào ngày 20/4 sau 35 ngày liên tiếp lênh đênh trên đại dương mà không có mối tiếp xúc nào với thế giới bên ngoài.


Tàu Costa Delizioza neo đậu tại cảng Barcelona sáng ngày 20/4/2020. (Ảnh: nydailynews.com)

"Đây không phải là siêu thực. Thật không thể tin được", cây bút thể thao Payá thốt lên với hãng tin AP qua tin nhắn. "Chúng tôi có gia đình ở quê nhà. Tin tức từ nhà khiến tất cả chúng tôi rất lo lắng và đau buồn. Đúng là một sự kiện may mắn khi chúng tôi được ở nơi đây".

Ông Payá, 58 tuổi, đi du lịch cùng vợ, cho biết khi nghe tin tức về sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 ở quê hương Tây Ban Nha, mong muốn đầu tiên của họ là về nhà với hai đứa con đã trưởng thành ở Valencia. Nhưng hết cảng này đến cảng khác đều từ chối cho du thuyền Costa Deliziosa nhập cảnh. Trong những ngày dài lênh đênh trên biển, du khách buộc phải tiết chế tiêu dùng trên tàu.

Không giống như các du thuyền khác bị dịch bệnh tấn công, và thường được cách ly để bảo vệ các thành phố cảng, tàu Deliziosa không phát hiện trường hợp nào mắc Covid-19. Vì vậy, con tàu chở 1.831 hành khách được tự do sử dụng các phương tiện và dịch vụ giải trí trên tàu.

Ông Payá cho biết tàu Costa Deliziosa khởi hành từ Venice, Italy vào đầu tháng 1, đã ngừng các cuộc ghé cảng sau khi rời miền Tây Australia vào tháng Ba. Nhìn chung, ông ca ngợi thuyền trưởng và các thuyền viên vì sự quan tâm chu đáo của họ với hành khách.

Lần cuối cùng hành khách trên tàu có cơ hội đặt chân tới đất liền là ở Perth, nơi họ cập cảng sau "70 ngày tuyệt vời" vượt qua Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu vào tháng Ba, con tàu chỉ thực hiện các điểm dừng kỹ thuật và tiếp nhiên liệu, trước khi bắt đầu hành trình trở lại Địa Trung Hải, đi qua Kênh đào Suez.

"Tất nhiên, những người có con ở Tây Ban Nha như chúng tôi thì muốn quay về. Còn những hành khách khác, đa số là người già thì muốn ở lại trên tàu vì họ biết rằng nơi này an toàn và được bảo vệ", ông Payá nói.

Phát ngôn viên của công ty vận hành du thuyền Costa Deliziosa cho biết một hành khách đã rời tàu vào đầu tuần trước tại Marsala, Sicily, vì các vấn đề sức khỏe và đã có xét nghiệm Covid-19 cho kết quả âm tính. Do sự việc này, các hành khách chỉ bị giới hạn trong cabin của họ trong khoảng thời gian cho đến khi con tàu được thông báo kết quả xét nghiệm âm tính của vị khách này.

Ngày 20/4, tàu Costa Deliziosa đã cho 168 hành khách Tây Ban Nha xuống tàu tại cảng Barcelona. Sau đó, tàu sẽ tới điểm đến cuối cùng là Genova, Italy, nơi dự kiến các hành khách còn lại sẽ rời tàu vào ngày 22/4.

Trước đó, chính quyền Pháp đã từ chối yêu cầu của Costa Delizioza về việc cho phép hàng trăm hành khách từ Pháp và các quốc gia lân cận xuống tàu tại cảng Marseilles. Tuy không được phép cập cảng Pháp, theo báo cáo của tàu, sức khỏe của 1.814 khách và 898 thành viên thủy thủ đoàn đều khỏe mạnh bình thường, không có ca mắc Covid-19 nào và cũng không có vấn đề gì đối với sức khỏe cộng đồng.

Cặp vợ chồng Jean-Pierre Escarrats, người Marseiiles (Pháp) cho biết sau khi dừng ở Sydney, các hoạt động trên tàu đã bị giảm hoặc đôi khi bị hủy bỏ. "Chúng tôi đã không thể lên đất liền kể từ ngày 14/3, tức là đã 34 ngày", ông Escarrat cho biết.

Theo hành khách, các cảng ở Ô-man, dọc theo Kênh đào Suez, cũng như tại Seychelles và các địa điểm khác bên bờ Ấn Độ Dương, đều từ chối cho tàu cập cảng.

Công ty quản lý tàu Deliziosa là Costa Crociere cho biết, do tàu treo cờ Italy nên nó phải tuần theo các biện pháp phòng ngừa của Italy trong đại dịch, bao gồm giãn cách xã hội giữa các hành khách, hạn chế số người có thể vào khu vực nhà cùng một thời điểm và phát các chương trình giải trí tới tivi trong cabin riêng.

Chính quyền khu vực ở Bouches-du-Rhone ở miền Nam nước Pháp đã viện dẫn lệnh cấm tàu du lịch nước ngoài cập cảng trên toàn quốc để từ chối Deliziosa. Italy cũng cấm toàn bộ các tàu du lịch nước ngoài để tránh nguy cơ lây nhiễm. Những tuần gần đây, chính quyền Pháp đã cấp ngoại lệ cho 6 tàu du lịch cập cảng để cho phép hành khách Pháp xuống bờ, nhưng với Costa Deliziosa thì họ từ chối, nói rằng các tàu cập cảng trước đó đã khiến cảnh sát địa phương bị quá tải trong lúc hệ thống y tế căng sức trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Hiện tại, không rõ liệu toàn bộ hành khách của tàu Costa Deliziosa cuối cùng có được đặt chân lên đất liền hoặc bị cách ly ở đâu sau 15 tuần chu du cùng tàu.

Điều rõ ràng là Payá và các hành khách khác đang trở lại với một thực tại mới: Trở về cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và lo lắng.

"Trở về nhà đồng nghĩa một sự thay đổi triệt để, một thay đổi khốc liệt", ông Payá nói sau khi đóng gói hành lý trước đêm cuối cùng trên tàu Deliziosa. "Nhiều hành khách sợ hãi muốn ở lại trên tàu. Nhưng đây là chuyện chúng tôi phải đối mặt, như gia đình, bạn bè và những người hàng xóm của chúng tôi đã làm".

Cập nhật: 24/04/2020 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video